Quy hoạch xây dựng vùng huyện Bá Thước tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045
Mô tả quy hoạch
Vị trí & phạm vi ranh giới:
* Ranh giới lập quy hoạch xây dựng vùng huyện bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của huyện Bá Thước với 21 đơn vị hành chính cấp xã (20 xã và 01 thị trấn), ranh giới lập quy hoạch cụ thể như sau:
- Phía Bắc giáp tỉnh Hòa Bình;
- Phía Đông giáp huyện Cẩm Thủy và huyện Thạch Thành;
- Phía Nam giáp huyện Lang Chánh và Ngọc Lặc.;
- Phía Tây giáp huyện Quan Hóa và huyện Quan Sơn.
- Quy mô diện tích lập quy hoạch vùng huyện Bá Thước khoảng: 777,57 km² và dân số hiện trạng năm 2020 khoảng 101.000 người.
* Phạm vi nghiên cứu quy hoạch: toàn bộ diện tích tự nhiên của huyện Bá Thước.
Thuyết minh quy hoạch
1. Quan điểm và mục tiêu của đồ án
1.1. Quan điểm
- Việc lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Bá Thước phải phù hợp Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phù hợp với Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang triển khai; phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bá Thước lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025; các kế hoạch chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới.
- Lập quy hoạch xây dựng Vùng trên cơ sở đánh giá kỹ các tiềm năng nổi trội, các cơ hội phát triển của huyện với tầm nhìn dài hạn. Khai thác tối đa lợi thế của huyện Bá Thước; Phát triển phù hợp với khả năng huy động vốn, sử dụng hiệu quả nguồn lực của địa phương và các nguồn lực từ bên ngoài trên tất cả các lĩnh vực.
- Đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế xã hội của huyện Bá Thước gắn liền với việc ứng phó với biến đổi khí hậu, chống lũ phía đầu nguồn, giữ gìn môi trường, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện.
- Phát triển kinh tế xã hội kết hợp hài hòa với đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia.
1.2. Mục tiêu
- Cụ thể hóa các định hướng của Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045; Tích hợp thống nhất các quy hoạch ngành trên địa bàn huyện, làm công cụ để chỉ đạo toàn diện và thống nhất, là cơ sở để triển khai kế hoạch đầu tư công, thu hút đầu tư trên địa bàn huyện Bá Thước trong từng thời kỳ.
- Tổ chức hệ thống đô thị, nông thôn, khu chức năng và hệ thống công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện theo từng giai đoạn đến năm 2030, 2045 và tầm nhìn sau năm 2045. Xây dựng và phát triển huyện Bá Thước trở thành huyện có kinh tế - xã hội dẫn đầu trong các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa.
- Là cơ sở pháp lý, công cụ chỉ đạo để tổ chức lập quy hoạch đô thị, quy hoạch chung xã, quy hoạch các khu chức năng trên địa bàn huyện, chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025 và các giai đoạn tiếp theo.
2. Quan điểm và mục tiêu phát triển vùng:
2.1. Quan điểm phát triển vùng:
- Thực hiện Nghị Quyết 58-NQ/TƯ của Trung ương về định hướng xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Phát triển kinh tế phải song song với bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, văn hóa; bảo vệ môi trường. Xây dựng vùng đô thị sinh thái bền vững, có khả năng thích ứng cao với đặc trưng địa hình, thủy văn biến đổi khí hậu của huyện.
- Đặt nghiên cứu Quy hoạch Bá Thước phải gắn với tổng thể vùng liên huyện phía Tây Bắc và các hành lang kinh tế trọng điểm của tỉnh; xác định rõ những chức năng mà Bá Thước đảm nhiệm đối với vùng và cả tỉnh; chú ý đến sự hợp tác về phân bổ sản xuất theo lãnh thổ để tận dụng những ưu thế của từng địa phương.
- Quy hoạch xây dựng vùng huyện Bá Thước trên quan điểm phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng trước mắt đồng thời thích ứng với phát triển lâu dài trong vòng 20-30 năm tới.
2.2. Mục tiêu phát triển vùng:
- Xây dựng vùng huyện Bá Thước là vùng sinh thái, bền vững, có khả năng thích ứng cao với biến đổi khí hậu.
- Tổ chức không gian phát triển của huyện Bá Thước đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa vùng huyện Bá Thước với vùng trung tâm kinh tế động lực phía Tây Bắc của tỉnh.
- Tăng cường sự kết nối hiệu quả với các huyện trong vùng nhằm khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của huyện để phát triển nhanh, bền vững.
- Loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, thống nhất các quy hoạch trên địa bàn huyện làm công cụ để chỉ đạo toàn diện và thống nhất quản lý, là cơ sở để triển khai kế hoạch đầu tư công, thu hút đầu tư trên địa bàn huyện Bá Thước.