Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời ý kiến chất vấn của Đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong – Đoàn Đoàn biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về xây dựng và chất lượng công trình xây dựng.Đặng Thuần Phong | Ngày cập nhật: 19/06/2019Câu Hỏi Trước đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhận được ý kiến chất vấn của Đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Nội dung ý kiến như sau:
"Xin phép trao đổi hai vấn đề. Cử tri cho rằng quản lý Nhà nước về xây dựng của ta rất yếu kém. Quản lý thực hiện theo quy hoạch đô thị được duyệt chưa tốt, lãng phí đất đai và nguồn lực. Tình trạng xây dựng không tuân thủ theo quy chế quản lý quy hoạch, về kiến trúc cũng chưa tốt, trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào và giải pháp khắc phục vấn đề này?
Vấn đề thứ hai về chất lượng xây dựng công trình và xử lý sai phạm trong đầu tư xây dựng cơ bản rất yếu và rất chậm. Vấn đề này là do tác nghiệp của ngành, chứ không phải do các hệ thống chính sách pháp luật của ta chưa hoàn thiện. Trong Báo cáo số 50 của Bộ trưởng cho rằng, do pháp luật chưa hoàn thiện và 7 giải pháp đưa ra để thực hiện không có giải pháp nào đúng với tồn tại, hạn chế này. Tôi muốn biết quan điểm của Bộ trưởng xử lý vấn đề này như thế nào và giải quyết công tác tổ chức bộ máy cán bộ trong ngành xây dựng như thế nào để đáp ứng yêu cầu. Xin cảm ơn Bộ trưởng." Trả lời
Bộ trưởng Bộ Xây dựng trả lời bằng văn bản như sau: Trong những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về xây dựng đã được Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, chính quyền các địa phương quan tâm tổ chức thực hiện và đạt được nhiều kết quản quan trọng. Hiệu lực, hiệu quả quản lý ngày càng nâng cao hơn, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh (điều này đã được thể hiện trong Báo cáo số 28/BC-ĐGS, ngày 20/5/2019 của Đoàn Giám sát Quốc hội khóa XIV về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 và Báo cáo số 1329/BC-UBKHCNMT14, ngày 10/5/2019 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về kết quả giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng và quy hoạch, kiến trúc).
Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước về xây dựng còn nhiều hạn chế, tồn tại, có nội dung còn yếu kém. Những hạn chế, tồn tại trong quản lý, thực hiện quy hoạch đã được Bộ Xây dựng báo cáo cụ thể về tình hình, nguyên nhân và giải pháp thực hiện trong thời gian tới tại Báo cáo số 70/BC-BXD ngày 31/5/2019 đã được gửi tới các vị Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7. Trong các nguyên nhân có nguyên nhân về việc hệ thống quy định pháp luật chưa được hoàn thiện, tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn là ở khâu tổ chức thực hiện quy định pháp luật, trong đó có hạn chế, yếu kém của ngành Xây dựng và Bộ Xây dựng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Do vậy, trách nhiệm của Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng là: Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đã bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn chưa kịp thời; Chất lượng lập, thẩm định quy hoạch do Bộ Xây dựng thực hiện còn một số nội dung chưa đáp ứng yêu cầu; Việc theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, phối hợp với các địa phương trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về quy hoạch chưa thường xuyên, kịp thời.
Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng xin nghiêm túc nhận trách nhiệm, đã và đang nỗ lực thực hiện những giải pháp như trong báo cáo đã gửi tới quý vị Đại biểu Quốc hội.
Ngoài ra, trong thời gian qua, công tác quản lý, kiểm soát về chất lượng công trình xây dựng đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng công trình xây dựng ngày càng được nâng cao hơn. Bên cạnh đó cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại đã được Bộ Xây dựng nêu cụ thể về tình hình, nguyên nhân, giải pháp khắc phục trong thời gian tới tại Báo cáo số 50/BC-BXD, ngày 19/4/2019 đã gửi tới các vị Đại biểu Quốc hội. Trong báo cáo này, Bộ Xây dựng đã đề xuất 6 nhóm giải pháp thực hiện trong thời gian tới, đây đều là những giải pháp có liên quan trực tiếp tới việc nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực này. Tuy có thể chưa đầy đủ, toàn diện và chưa đáp ứng được yêu cầu của Đại biểu, nhưng nếu tổ chức thực hiện tốt các giải pháp này, sẽ tạo ra được những chuyển biến tích cực hơn nữa.
Bộ Xây dựng nhận thức đầy đủ về một giải pháp cơ bản nhất để năng cao năng lực, chất lượng thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về xây dựng được giao là phải củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của ngành Xây dựng. Bộ Xây dựng đã xây dựng và thực hiện kế hoạch thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, xây dựng đội ngũ cán bộ, học tập và làm theo tư tưởng, phong cách và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và người đứng đầu. Trong đó, Bộ Xây dựng đã tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Xây dựng (cụ thể là Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Cục Quản lý hoạt động xây dựng thực hiện một số giải pháp như ban hành và công bố công khai quy chế làm việc, quy trình công tác; luân chuyển công chức theo quy định của Chính phủ; áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, chỉ nhận hồ sơ của cá nhân, tổ chức thông qua Bộ phận một cửa của Bộ; bồi dưỡng đào tạo nâng cao năng lực, phẩm chất của cán bộ, công chức…) và cơ quan Thanh tra Bộ (như: Kiện toàn tổ chức; đào tạo chuyên môn và giáo dục đội ngũ cán bộ thanh tra trong sạch, vững mạnh; ban hành các quy chế về hoạt động và giám sát hoạt động của các đoàn thanh tra). Trong trường hợp phát hiện được hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức chuyên môn, quản lý, cán bộ thanh tra Bộ, Bộ Xây dựng sẽ kỷ luật nghiêm khắc theo quy định, không có vùng cấm, không bao che cho bất kỳ cán bộ nào vi phạm pháp luật.
Trên đây là nội dung trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong. Bộ trưởng Bộ Xây dựng chân thành cảm ơn sự quan tâm của cử tri tỉnh Bến Tre, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, Đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong đối với ngành Xây dựng trong thời gian qua và rất mong nhận được nhiều ý kiến góp ý trong thời gian tới.
Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc về việc điều chỉnh quy hoạch các dự án nhiều lần.Trần Văn Tiến | Ngày cập nhật: 08/06/2019Câu Hỏi Trong báo cáo giám sát Quốc hội đã chỉ ra rất nhiều dự án điều chỉnh quy hoạch nhiều lần. Việc điều chỉnh quy hoạch hầu như làm lợi cho chủ đầu tư và thu hẹp lợi ích cộng đồng dân cư, gây bức xúc cho nhân dân. Bộ trưởng cho biết nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng nêu trên, trách nhiệm của Bộ trưởng và Bộ trưởng có giải pháp gì trong thời gian tới để xử lý tình trạng trên? Thực tế ở nhiều địa phương có nhiều dự án khu đô thị, khu nhà ở đã được giao đất từ nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn bỏ hoang hoặc đầu tư chập chờn gây lãng phí về đầu tư đất đai, gây bức xúc cho nhân dân. Bộ trưởng cho biết nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng nêu trên, Bộ trưởng có giải pháp gì để xử lý và khắc phục tình trạng trên? Trả lời
Về nội dung chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng trả lời như sau:
Về tình hình, nguyên nhân, giải pháp khắc phục việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện không theo trình tự, thẩm quyền đã được Bộ Xây dựng báo cáo trong Báo cáo số 70/BC-BXD ngày 31/5/2019 gửi các vị Đại biểu Quốc hội. Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng có trách nhiệm về: Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đã bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn chưa kịp thời; Chất lượng lập, thẩm định quy hoạch do Bộ Xây dựng thực hiện còn một số nội dung chưa đáp ứng yêu cầu; Việc theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, phối hợp với các địa phương trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về quy hoạch chưa thường xuyên, kịp thời.
Bộ Xây dựng đã tham mưu, trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/3/2019 về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt. Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung, công việc được giao trong chỉ thị này.
Hiện nay ở một số địa phương, có một số dự án khu đô thị, khu nhà ở đã được giao đất từ nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn bỏ hoang hoặc đầu tư không đồng bộ, chưa dứt điểm gây lãng phí về đầu tư, đất đai, gây bức xúc đúng như Đại biểu đã nêu.
Nguyên nhân của tình trạng trên gồm: Chất lượng quy hoạch thấp, việc xác định chỉ tiêu sử dụng đất, bố trí tổng mặt bằng... chưa chính xác do chưa tổng hợp đầy đủ và xử lý tốt các thông tin dự báo về tình hình kinh tế - xã hội và các yếu tố đầu vào khác, không lập đồng bộ các loại quy hoạch liên quan, hoặc có lập nhưng có mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch. Ngoài ra, quy hoạch thiếu tính khả thi do chưa hoặc không xác định đủ các yếu tố, điều kiện thực hiện, nhất là về nguồn vốn đầu tư để đầu tư đồng bộ về nhà ở, công trình khác với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và đền bù giải phóng mặt bằng.
Đồng thời, một số nhà đầu tư, chủ đầu tư được giao thực hiện dự án còn thiếu năng lực, kinh nghiệm thực hiện; Việc tổ chức quản lý và thực hiện quy hoạch sau khi công bố chưa được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo quy định. Cuối cùng, một số địa phương còn chủ quan, nóng vội trong việc mở rộng đất phát triển đô thị nhưng chưa tính toán chính xác các yếu tố, nguồn lực phát triển nên không thực hiện được các chỉ tiêu quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định, nhất là đối với các công trình hạ tầng.
Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng có trách nhiệm về một số nội dung như: Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đã bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn chưa kịp thời; Chất lượng lập, thẩm định quy hoạch do Bộ Xây dựng thực hiện còn một số nội dung chưa đáp ứng yêu cầu; Việc theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, phối hợp với các địa phương trong thực hiện công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch chưa thường xuyên, kịp thời.
Theo đó, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, đề xuất để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng: Sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, đặc biệt đối với các quy định về lập, thẩm định quy hoạch; về sự tham gia của cộng đồng dân cư, nhà đầu tư trong quá trình lấy ý kiến đồ án quy hoạch; thẩm định dự án đầu tư xây dựng, tăng cường thẩm tra về năng lực của chủ đầu tư về vốn, khả năng huy động vốn, về năng lực quản lý và nhân sự. Quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý, cơ quan tư vấn đối với chất lượng quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang lập hồ sơ sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014 để trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 8; Hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn xây dựng về quy hoạch, nhà chung cư, hạ tầng kỹ thuật trong năm 2019.
Không chỉ vậy, Bộ Xây dựng tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt quy định pháp luật về quy hoạch; Tăng cường công tác thanh tra của Bộ Xây dựng.
Do vậy, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt.
Bộ Xây dựng xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của Cử tri, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc và Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến đối với ngành Xây dựng trong thời gian qua và mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp trong thời gian tới.
Điều 47 Luật Quy hoạch đô thịLê Quang An Đạt | Ngày cập nhật: 19/12/2018Câu Hỏi Theo Quy định tại Điều 46 thì quy hoạch chung phải được định kỳ rà soát, điều chỉnh sau 05 năm. Hiện nay quy hoạch chung đã đủ điều kiện điều chỉnh quy hoạch theo Điều 47 tuy nhiên chưa đến thời hạn phải định kỳ rà soát điều chỉnh theo Điều 46. Nếu áp dụng Điều 46 thì có phải chờ tới thời hạn 5 năm kể từ ngày quy hoạch chung được phê duyệt mới được phép rà soát điều chỉnh quy hoạch chung, hay là chỉ cần đủ điều kiện điều chỉnh quy hoạch theo Điều 47 là cần xem xét điều chỉnh quy hoạch? Trả lời
Vụ Quy hoạch Kiến trúc - Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:
Quy hoạch chung đô thị sẽ được thực hiện điều chỉnh khi có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 47 Luật Quy hoạch đô thị. Gồm: Có sự điều chỉnh về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh hoặc điều chỉnh về địa giới hành chính làm ảnh hưởng lớn đến tính chất, chức năng, quy mô của đô thị hoặc khu vực lập quy hoạch; Hình thành các dự án trọng điểm có ý nghĩa quốc gia làm ảnh hưởng lớn đến sử dụng đất, môi trường, bố cục không gian kiến trúc đô thị; Quy hoạch đô thị không thực hiện được hoặc việc triển khai thực hiện gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và môi trường sinh thái, di tích lịch sử, văn hóa được xác định thông qua việc rà soát, đánh giá thực hiện quy hoạch đô thị và ý kiến cộng đồng; Có sự biến động về điều kiện khí hậu, địa chất, thủy văn; Phục vụ lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng.
Trong trường hợp không có các yếu tố tác động đến quy hoạch đô thị, trong quá trình triển khai thực hiện, quy hoạch chung đô thị được xem xét, rà soát, đánh giá định kỳ 5 năm làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.
Như vậy, trường hợp quy hoạch chung đô thị đã được đánh giá đầy đủ mức độ tác động của các điều kiện theo quy định tại Điều 47 Luật Quy hoạch đô thị, cơ quan tổ chức lập quy hoạch cần thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo đúng trình tự thủ tục được quy định tại Điều 50, Điều 51 Luật Quy hoạch đô thị.
Dự án nào phải lập quy hoạch 1/500?Lê Văn Thịnh | Ngày cập nhật: 22/08/2018Câu Hỏi Hiện tại trên địa bàn huyện tôi triển khai dự án Khu tái định cư phục vụ di dân cho xã A với diện tích khoảng 10ha. Khu vực thực hiện dự án tại xã B và xã C là khu vực đô thị đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 (nay gọi là quy hoạch phân khu đô thị). Vậy khi thực hiện dự án, chúng tôi phải lập quy hoạch chi tiết 1/500 trước khi lập dự án đầu tư. Cho tôi hỏi, việc lập quy hoạch chi tiết 1/500 khi đã có quy hoạch chi tiết 1/2000 theo trình tự như thế nào và có phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư hay không? (Khi thực hiện quy hoạch 1/2000 đã thực hiện công tác này rồi)? Nếu có thì lấy ý kiến cộng đồng dân cư thuộc xã A (địa phương được hưởng lợi khi thực hiện dự án) hay lấy ý kiến cộng đồng dân cư thuộc xã B và xã C (địa phương của khu vực thực hiện dự án)? Trả lời
Sau khi nghiên cứu, Vụ Quy hoạch Kiến trúc trả lời vấn đề này như sau:
Đề nghị của công dân Lê Văn Thịnh là áp dụng Khoản 5, Điều 10 Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng đối với khu đất lập dự án nêu trên là không phù hợp do quy định tại Khoản 5, Điều 10 Nghị định số 44/2015/NĐ-CP chỉ áp dụng cho các khu chức năng đặc thù.
Thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết trong khu công nghiệpVũ Tùng | Ngày cập nhật: 18/08/2018Câu Hỏi Theo quy định hiện hành về xây dựng thì cơ quan nào có chức năng thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trong khu công nghiệp? Trả lời
Về vấn đề này, Vụ Quy hoạch Kiến trúc có ý kiến trả lời như sau:
Đối với các khu công nghiệp ngoài Khu kinh tế, UBND cấp huyện phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng thuộc UBND cấp tỉnh; trình hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt (theo Điều 34 Luật xây dựng).
UBND huyện có lập Chương trình phát triển đô thị không?công tác ở Phòng KT và HT huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang | Ngày cập nhật: 14/08/2018Câu Hỏi Hiện nay, UBND huyện Lâm Bình giao phòng kinh tế hạ tầng lập các bước thủ tục lập đề cương, nhiệm vụ và dự toán Chương trình chương trình phát triển đô thị theo điều 3, điều 4 của Thông tư số 12/2014/TT-BXD ngày 25/8/2014 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn lập, thẩm định và phê duyệt Chương trình phát triển đô thị gửi Sở Xây dựng thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt để tiến hành các bước tiếp theo. Tuy nhiên, Sở Xây dựng Tuyên Quang trả lời UBND huyện là cấp huyện không lập Chương trình phát triển đô thị. Vậy cho chúng tôi hỏi, UBND cấp huyện có lập chương trình phát triển đô thị theo Thông tư số 12/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng không? Trả lời
Về vấn đề này, Cục Phát triển đô thị trả lời như sau:
Tại khoản 1, Điều 1, Thông tư số 12/2014/TT- BXD phạm vi điều chỉnh của Thông tư là hướng dẫn lập, thẩm định và phê duyệt Chương trình phát triển đô thị cho toàn tỉnh và cho từng đô thị trực thuộc tỉnh. Vì vậy:
Nếu UBND huyện Lâm Bình tổ chức lập đề cương, nhiệm vụ và dự toán Chương trình phát triển đô thị cho toàn huyện Lâm Bình thì không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 12/2014/TT-BXD.
Nếu UBND huyện Lâm Bình tổ chức lập đề cương, nhiệm vụ và dự toán Chương trình phát triển đô thị cho đô thị trực thuộc huyện Lâm Bình thì theo khoản 2, Điều 4 tại Thông tư số 12/2014/TT-BXD, việc lập đề cương, dự toán chi phí là do Sở Xây dựng lập trình UBND tỉnh phê duyệt.
Theo khoản 6, Điều 3 tại Thông tư số 12/2014/TT-BXD, UBND cấp huyện là cơ quan trực tiếp lập Chương trình phát triển đô thị. Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định cơ quan lập chương trình phát triển đô thị là UBND cấp tỉnh.
|