Thành phố Bắc Giang, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của Tỉnh Bắc Giang được công nhận là đô thị loại III năm 2003 và trở thành thành phố theo Nghị định Chính phủ số 75/2005/NĐ-CP ngày 7 tháng 6 năm 2005. Thành phố được điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính theo nghị quyết số 36/NQ-CP của Chính phủ ngày 27/9/2010.
Các chủ trương mới và các điều chỉnh định hướng phát triển quan trọng có tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố
Quyết định số 1758/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định Bắc Giang là đô thị năm trong vùng Thủ đô Hà nội.
Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 7/11/2012 của Thủ Tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phát triển đô thị Quốc Gia giai đoạn 2012-2020 xác định Thành phố Bắc giang trở thành đô thị loại II vào giai đoạn 2012-2020
Quyết định số 989/BCT ngày 6/3/2012 của Bộ Công Thương về phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp trên tuyến hành lang kinh tế Lạng Sơn- Hà Nội –Hải Phòng- Quảng Ninh đến năm 2020- tầm nhìn đến năm 2025 xác định Bắc Giang là khu vực tập trung sản xuất sản phẩm công nghệ cao, điện, điện tử... và kho vận hỗ trợ cho Lạng Sơn.
Với những chủ trương này, Thành phố Bắc Giang trong tương lai cần có những thay đổi để phát huy lợi thế, tham gia vào tiến trình phát triển chung của vùng.
Những thay đổi trong phát triển thành phố từ 2005 đến nay
Những năm qua, thành phố Bắc Giang đã từng bước xây dựng để trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ của Tỉnh và khu vực miền núi, trung du phía Bắc; Có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của toàn khu vực.
Từ quy hoạch chung thị xã Bắc Giang được phê duyệt năm 2005 đến nay, thành phố Bắc Giang đã có nhiều thay đổi. Từ một thị xã với quy mô 3.200ha, 12.6800 nhân khẩu, 11 đơn vị hành chính, Bắc Giang đã trở thành một thành phố trực thuộc tỉnh có diện tích tự nhiên là 6.677,36 ha với 148.172 nhân khẩu, 16 đơn vị hành chính, gồm 7 phường và 9 xã. Từ một khu công nghiệp Đình Trám, đến nay nhiều khu công nghiệp của tỉnh liền kề với thành phố như Vân Trung, Quang Châu, Việt Hàn, Song Khê – Nội Hoàng đang được hình thành và phát triển làm gia tăng nhu cầu đất ở và hệ thống dịch vụ, hạ tầng cơ sở trong thành phố. Nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đô thị ngày càng tăng; Các yêu cầu để hội nhập, tham gia vào tiến trình phát triển chung của toàn vùng đang có nhiều thay đổi; Các chiến lược phát triển quan trọng của Tỉnh và quốc qia qua địa bàn đang được cụ thể hóa bằng các dự án đầu tư...; Với những thay đổi đó, quy hoạch được phê duyệt trước đây đang nảy sinh những hạn chế:
- Đô thị chưa phát huy được các lợi thế về vị trí, về giao thông quốc gia và vùng để trở thành một hạt nhân phát triển đô thị toàn tỉnh và thúc đẩy sự phát triển của các đô thị lân cận.
- Việc định hướng phát triển mạng lưới giao thông, đặc biệt là các tuyến giao thông liên khu vực chưa kết nối hiệu quả với các tuyến giao thông quốc gia, với các khu công nghiệp phía Tây của Tỉnh.
- Trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội của toàn tỉnh và vùng, thành phố Bắc Giang đang hình thành, phát triển nhiều khu đô thị, nếu không chủ động hoạch định phát triển thì việc xây dựng tự phát, ngoài quy hoạch là khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, không gian đô thị hiện hữu còn nhiều tồn tại như: Chưa có những khu chức năng tạo động lực phát triển cho thành phố; Thiếu các điểm nhấn không gian sinh hoạt công cộng; Mô hình hành chính thiếu, không tập trung; Các trục đường xây mới chưa tạo ra diện mạo kiến trúc đẹp; Hệ thống giao thông công cộng chưa được nghiên cứu; Hệ thống hạ tầng kỹ thuật phát triển chưa đồng bộ,...
- Kiểm soát, quản lý và định hướng khai thác hai bờ sông Thương chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển. Trong xu hướng phát triển đô thị hiện đại, việc quản lý nguồn nước, cảnh quan mặt nước nếu không được xem xét, ảnh hưởng tiêu cực từ sông Thương đến đô thị sẽ nhiều hơn những giá trị tích cực mà dòng sông mang lại như: cảnh quan sinh thái tự nhiên, cảnh quan đô thị, sắc thái địa phương,...
Từ những nhận định trên, nhằm hạn chế những tồn tại, đảm bảo phát triển bền vững, lâu dài cho thành phố Bắc Giang nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung thì việc xem xét, điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Bắc Giang là rất cần thiết.