1. LÝ DO VÀ SỰ CẦN THIẾT LẬP QUY HOẠCH CHUNG XD KHU KTCK
Ngày nay, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hầu hết các nước trên thế giới đều đặt ưu tiên cao nhất cho phát triển kinh tế. Kinh tế đã trở thành nhân tố quyết định chính cho sức mạnh tổng hợp của mỗi quốc gia. Để thúc đẩy nhanh chóng và mạnh mẽ quá trình phát triển kinh tế, các nước đã tiến hành liên minh, liên kết với nhiều mức độ khác nhau như: liên kết toàn cầu (WTO), liên kết khu vực (EU, ASEAN, TPP…), liên kết tiểu khu vực và đặc biệt là liên kết dưới dạng các “lãnh thổ tự nhiên” giữa các nước có chung đường biên giới. Song song với quá trình hợp tác liên kết, thời gian gần đây đã xuất hiện một số mô hình kinh tế mới khá thành công, trong đó phải kể đến là mô hình Trung tâm hợp tác biên giới quốc tế Tân Cương-Kazacztan, Khu hợp tác kinh tế Huy Xuyên Cát Lâm (Trung Quốc) và Ha Sa (Liên bang Nga). Các mô hình kinh tế này đã góp phần rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng tốc phát triển kinh tế các quốc gia.
Để tăng cường khả năng giao lưu, hội nhập ngày càng cao và tìm kiếm cơ hội đầu tư và phát triển kinh tế tốt, một trong những điều kiện có ý nghĩa quyết định, đó là khai thác triệt để lợi thế về địa kinh tế và địa chính trị thông qua phát triển kinh tế cửa khẩu và phát triển hệ thống cảng biển nước sâu có khả năng đảm bảo việc xuất nhập khẩu các sản phẩm, nguyên liệu phục vụ hệ thống các khu công nghiệp phức hợp, của các vùng rộng lớn trong khu vực và trong nước. Hiện nay, các nước mới phát triển ở khu vực Châu Á có xu hướng thực hiện chiến lược bố trí các khu vực đại công nghiệp gắn liền với sự phát triển kinh tế vùng duyên hải và ưu thế to lớn của hệ thống cảng biển nước sâu.
Việc hình thành và phát triển các khu kinh tế tại Việt Nam cũng đã được xác định từ những năm 1996, được cụ thể hóa trong nhiều chương trình nghị sự giữa Việt Nam – Trung Quốc và ASEAN – Trung Quốc, trong đó có kế hoạch “hai hành lang, một vành đai kinh tế”. Định hướng khu vực vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ sẽ trở thành khu vực kinh tế năng động, có sức thúc đẩy cả vùng Bắc Bộ. Đây cũng là vùng động lực trong hợp tác phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước ASEAN.
Nhận thức được vai trò vị trí chiến lược của Việt Nam trong phát triển kinh tế khu vực Đông Nam Á và Châu Á-Thái Bình Dương, thời gian vừa qua Việt Nam đã đưa định hướng phát triển các khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) nói riêng (đặc biệt chú trọng các khu vực cửa khẩu trọng yếu, đầu tầu) và khu kinh tế (KKT) nói chung (đặc biệt là các khu kinh tế ven biển), trong đó khẳng định phát triển hướng tới hiện đại, lấy hiệu quả kinh tế-xã hội làm tiêu chuẩn cao nhất và đảm bảo phát triển bền vững. Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 của Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X cũng đã xác định 5 lĩnh vực được lựa chọn ưu tiên chiến lược, trong đó ‘xây dựng các KCX, các KCN tập trung và các KKT ven biển gắn liền với phát triển các đô thị ven biển’ là một trong năm lĩnh vực được đề cập.
KKTCK Móng Cái nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh bao gồm thành phố Móng Cái, Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà và 09 xã thị trấn của huyện Hải Hà, hiện được đánh giá là vùng đất có tiềm năng và lợi thế rất lớn để phát triển thành vùng kinh tế động lực ở Bắc Bộ. KKTCK Móng Cái đã và đang có sự chuyển mình rất lớn được xác định là cửa ngõ chủ lực đóng góp tích cực trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Trước yêu cầu mới và trong tiến trình hội nhập quốc tế, nhằm phát huy cao nhất các nguồn lực để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tinh thần chỉ đạo của kết luận số 47-KL/TW ngày 06/05/2009 của Bộ Chính trị quyết định số 99/2009/QĐ-TTg ngày 29/07/2009 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 19/2012/QĐ-CP ngày 10/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Trên thực tế, quá trình hình thành và xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái tiến triển chưa được như kỳ vọng, do các yếu tố khách quan và chủ quan bên kia biên giới. Việc phát triển KKTCK Móng Cái đã được Thủ tướng Chính phủ cụ thể hóa tại Quyết định số 2629/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Việc phát triển KKTCK có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng. Hình thành một KKTCK phát triển toàn diện và bền vững trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế so sánh của KKT này (đó là khu vực vừa là cửa khẩu biên giới quốc tế, vừa có cảng biển nước sâu) để phát triển tổng hợp các lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và an ninh quốc phòng.
Để đáp ứng các yêu cầu phát triển KTXH, an ninh quốc phòng vùng biên, những yêu cầu về quản lý xây dựng, khai thác quỹ đất và tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai các dự án đầu tư cho thấy việc lập “Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái” là cần thiết và cấp bách trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
2. MỤC TIÊU
- Cụ thể hóa Quyết định số 19/2012/QĐ-TTg ngày 10/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh;
- Xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái thành một khu kinh tế phát triển năng động, hiệu quả, có tầm quốc tế một cực tăng trưởng quan trọng, trung tâm phát triển kinh tế của vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ, trở thành động lực phát triển mạnh của vùng Đông Bắc.
- Gắn phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh quốc phòng, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hoá - xã hội và đảm bảo vùng biên giới hoà bình, hữu nghị, cùng nhau phát triển.
3. TÍNH CHẤT
- Là trung tâm phát triển kinh tế, thương mại, du lịch, dịch vụ và cảng biển của vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ và đầu mối của hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) và Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái - Phòng Thành;
- Có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng.
4. CHỨC NĂNG
Căn cứ Quyết định số 2629/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái có không gian kinh tế riêng biệt, với môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi nhất theo các quy định của pháp luật; là địa bàn ưu đãi đầu tư phát triển các ngành kinh tế tạo động lực cho phát triển vùng được tổ chức thành các phân khu chức năng chủ yếu, cụ thể:
1 Khu cửa khẩu quốc tế
2 Các khu công nghiệp:
3 Trung tâm tài chính:
4 Khu đô thị:
5 Khu Trung tâm hành chính:
6 Khu dân cư:
7 Các khu chức năng xây dựng khác:
8 Các khu chức năng khác:
5. TẦM NHÌN KHU KTCK MÓNG CÁI
Khu KTCK Móng Cái là một Khu vực phát triển độc đáo, khác biệt, hiện đại,văn minh; Đa ngành, Tổng hợp và Thịnh vượng mang tầm cỡ Quốc gia, Quốc tế đặc biệt có vị thế trung chuyển giữa khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á.
Khu KTCK Móng Cái sẽ phát triển với nhiều lợi thế về Công nghiệp, cảng biển, du lịch, thương mại, tài chính, văn hoá giáo dục, vui chơi giải trí và có môi trường sống bền vững, năng động, an ninh và hấp dẫn.
6. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KHU KTCK MÓNG CÁI
Phát huy lợi thế của vị trí và tiềm năng tự nhiên xây dựng mô hình Khu KTCK đa dạng, đa ngành và năng động được tổ chức không gian hợp lí, tiết kiệm đất cũng như linh hoạt.
Hình thành các trung tâm chuyên ngành tổng hợp được gắn kết bằng hệ thống giao thông nhanh, thân thiện và hiện đại.
Khai thác bản sắc gắn với tiềm năng tự nhiên Sinh thái biển núi, đô thị để hình thành các mô hình du lịch đặc sắc gắn với nhu cầu giải trí và thị trường du lịch trong và ngoài nước.
Nhanh chóng xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật kết nối với hệ thống hạ tầng diện rộng đáp ứng nhu cầu phát triển trước mắt và lâu dài của khu KTCK.
Hình: Mô hình phát triển KKTCK Móng Cái
|
1 01 trục hành lang kinh tế kỹ thuật – đô thị - công nghiệp – Dịch vụ du lịch – Thương mại, tài chính ngân hàng.
2 02 vùng phát triển bao gồm vùng phí Bắc (phát triển du lịch sinh thái gắn với ANQP) và vùng phía Nam (phát triển du lịch biển đảo chất lượng cao gắn với ANQP).
3 03 Trung tâm:
+ Trung tâm hạt nhân là đô thị tích hợp mới
+ Trung tâm khu công nghiệp cảng biển Hải Hà
+ Thành phố cửa khẩu Móng Cái
7. CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KKTCK
- Giải pháp phát triển thương mại dịch vụ
- Giải pháp phát triển du lịch
- Giải pháp phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến…
8. DỰ BÁO PHÁT TRIỂN
8.1 Nhu cầu và khả năng cung cấp lao động
- Giai đoạn tới 2020:
- Mục tiêu của KKTCK Móng Cái là đạt GDP bình quân đầu người 10.000 USD (danh nghĩa) (tương đương với 5.700 USD/người tính theo giá so sánh 2010). Tốc độ tăng trưởng ở mức 17,7%/năm .
- Cơ cấu kinh tế như sau;
+ Thương mại, dịch vụ chiếm khoảng 59,0%
+ Công nghiệp, xây dựng chiếm khoảng 35,0%
+ Nông, Lam, ngư nghiệp chiếm khoảng 6,0 %.
- Tầm nhìn tới năm 2030:
- GDP bình quân đầu người khoảng 22.000 USD (danh nghĩa)/người (tính theo giá so sánh 2010).
- Cơ cấu kinh tế như sau;
+ Thương mại, dịch vụ chiếm khoảng 60,0 %
+ Công nghiệp, xây dựng chiếm khoảng 37,0 %
+ Nông, Lam, ngư nghiệp chiếm khoảng 3,0 %.
8.2 Dự báo dân số lao động
- Dân số hiện trạng Khu KTCK Móng Cái 126.205 người.
- Dự báo các giai đoạn quy hoạch :
+ Tới 2020 khoảng 177.000 người, trường hợp đột biến có thể200.000 người
+ Tới 2030 khoảng 340.000 người, trường hợp đột biến có thể 350.000 người.
9 . ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KHÔNG GIAN
9.1 Chọn đất và hướng phát triển không gian
Do đặc điểm khu KTCK Móng Cái chủ yếu nằm trên trục hành lang Quốc lộ 18 cũ, cao tốc 18 mới và tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái (dự kiến trong tương lai), khoảng cách từ Thành phố Móng Cái đến khu vực Hải Hà là 40 km, để đảm bảo kết nối địa hình tốt trong khu kinh tế tương lai sẽ phát triển thêm khu Trung tâm tích hợp tại xã Hải Đông( khoảng giữa Thành phố Móng Cái và khu vực Hải Hà).Như vậy dựa vào điều kiện tự nhiên, thực trạng và tiềm năng phát triển khu KTCK Móng Cái dự kiến sẽ phát triển theo mô hình:
01 trục, 02 vùng (phía Bắc và phía Nam) với 03 trung tâm (01 trung tâm hạt nhân là đô thị tích hợp mơi và 02 trung tâm động lực là trung tâm Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà và thành phố cửa khẩu Móng Cái).
- 01 Trục hành lang kinh tế kỹ thuật – đô thị - công nghiệp – Dịch vụ du lịch – Thương Mai, tài chính ngân hàng:
Đây là trục hành lang nối kết 03 Trung tâm là (01 trung tâm hạt nhân là đô thị tích hợp mới và 02 trung tâm động lực là trung tâm Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà và thành phố cửa khẩu Móng Cái). Trục hành lang này nối kết phía Bắc với Nam của KKTCK Móng Cái, các hoạt động như công nghiệp, dịch vụ thương mại, tài chính ngân hàng sẽ được kết nối với tuyến hành lang này.
- Khu vực phía Bắc:
Khu vực phía Bắc kết nối với vùng dân cư Bắc Sơn, Hải Sơn phát triển khu dân cư sinh thái mới đến Khu Đại Vai – Dốc U Bò gắn kết với khu du lịch sinh thái ngũ hồ. Xây dựng phát triển hệ thống chợ biên giới kết hợp với điểm thông quan Lục Phủ động lực phát triển kinh tế cho hai xã vùng biên.
Khai thác tối đa tiềm năng du lịch của hệ thống ngũ hồ khu vực phía Bắc phát triển du lịch sinh thái cao cấp: các khu nghỉ sinh thái, bơi thuyền, leo núi.
Xây dựng các công trình kè bảo vệ bờ sông biên giới và các mốc biên giới quốc gia.
Giữ đúng hiện trạng hệ thống công trình quốc phòng, đất quốc phòng và các khu vực địa hình có tầm quan trọng ưu tiên cho nhiệm vụ phòng thủ, BVTQ trên địa bàn KKTCK.
- Khu vực phía Nam:
Khu vực Trà Cổ –Bình Ngọc với tiềm năng du lịch biển sẽ phát triển chủ yếu chức năng nghỉ ngơi du lịch, dịch vụ giải trí và các khu đô thị sinh thái, nhà nghỉ cho thuê và khai thác cảnh quan, có sự tham gia của người dân trong các dịch vụ du lịch. Tại đây quan tâm chỉnh trang khu du lịch Trà Cổ, xây dựng khu du lịch cao cấp Bình Ngọc gắn với du lịch cảng, du lịch biển đảo cao cấp tại Vĩnh Trung Vĩnh Thực.
Khu du lịch đảo Cái Chiến hình thành các khu du lịch sinh thái chất lượng cao, mang tính hoang dã, thu hút các du khách ưa khám phá.
Khu vực đảo Vĩnh Thực- Vĩnh Trung ngoài chức năng là một cảng thương mại, được tổ chức như một khu du lịch cao cấp biệt lập phục vụ đối tượng trong và ngoài nước.
Mở rộng, nâng cấp cảng Vạn Gia theo hướng hiện đại, tạo sự gắn kết với cụm cảng Hải Hà - Cái Lân - Hải Phòng. là cảng biển đóng vai trò cửa ngõ sang Trung Quốc bằng tuyến đường thuỷ.
- Trung tâm hạt nhân đô thị tích hợp:
Đây là khu vực nằm giữa thành phố Móng Cái và huyện Hải Hà tại xã Hải Đông, khu vực này ưu tiên phát triển Khu Trung tâm hành chính của KKTCK Móng Cái, tài chính thương mại, hành chính khu kinh tế, kết hợp với công nghiệp công nghệ cao. Khu vực này sẽ có hệ thống HTKT hiện đại, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
- Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà:
Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà được tiếp tục nghiên cứu quy hoạch, đầu tư xây dựng để trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng biển lớn của Vịnh Bắc Bộ và cả nước với mô hình 4 trong 1 (công nghiệp - đô thị - thương mại - du lịch), tạo điều kiện phát triển hợp tác kinh tế thương mại với Trung Quốc, đặc biệt là khu vực phía Nam Trung Quốc thông qua vành đai kinh tế ven biển
Đô thị Hải Hà hình thành trên cơ sở đô thị Quảng Hà, mở rộng ra các xã Quảng Trung, Quảng Chính cho giai đoạn trước mắt và phát triển mở rộng lên phía Đông Bắc thêm các xã Quảng Thắng, Quảng Minh cho giai đoạn dài hạn, nhằm kết nối không gian kinh tế và đô thị với đô thị kinh tế cửa khẩu. Đối với đô thị cũ Quảng Hà, cải tạo chỉnh trang, trong giai đoạn tới hình thành việc xây dựng đô thị mới Quảng Hà và Quảng Minh. Sau 2030 hình thành đô thị Trung tâm mới tại phía Bắc của khu.
- Thành phố cửa khẩu Móng Cái:
Khu vực TP Móng Cái là thành phố cửa khẩu quốc tế hiện đại có đủ sức cạnh tranh ở vị thế đối tác với các TP bên Trung Quốc và các thành phố trong khu vực - hạt nhân cực động lực quan trọng của khu kinh tế, cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hoá, xã hội quốc gia và quốc tế đảm bảo vùng biên giới hoà bình, hữu nghị.
Chức năng:
+ Khu hợp tác kinh tế biên giới Móng Cái, đầu mối giao thương với các nước ASEAN và thế giới.
+ Khu trung tâm dịch vụ thương mại văn hóa, vui chơi giải trí năng động hấp dẫn.
+ Khu Trung tâm tài chính ngân hàng, cửa khẩu quốc tế (đường thủy, bộ và sắt), kho vận, công nghiệp.
+ Khu du lịch biển đảo đẳng cấp quốc tế
+ Khu đô thị cải tạo, chỉnh trang