Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG
Quy định này quy định việc quản lý theo đồ án Quy hoạch xây dựng vùng
huyện Nam Giang đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Ngoài những quy định trong văn bản này, việc quản lý quy hoạch, xây
dựng còn phải tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành của Nhà nước.
Điều 1. Đối tượng áp dụng, phân công quản lý
1. Đối tượng áp dụng
- Các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có liên quan đến hoạt động xây
dựng và tham gia vào hoạt động quản lý quy hoạch, xây dựng trong ranh giới
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Nam Giang giai đoạn đến năm 2030 đều phải
tuân thủ và thực hiện theo đúng Quy định này.
- Quy định này là cơ sở pháp lý để các cơ quan quản lý kiến trúc, quy hoạch
xây dựng cấp tỉnh và huyện thực hiện chức năng quản lý quy hoạch, làm căn cứ
để xác lập nhiệm vụ và nội dung quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch xây
dựng các khu chức năng trên địa bàn huyện, các dự án đầu tư xây dựng hệ thống
công trình hạ tầng kỹ thuật huyện.
2. Phân công quản lý
- Sở Xây dựng là cơ quan chuyên ngành, chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban,
ngành của tỉnh tham mưu UBND tỉnh theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát
UBND huyện Nam Giang quản lý quy hoạch, xây dựng theo hồ sơ Quy hoạch
xây dựng vùng huyện Nam Giang giai đoạn đến năm 2030 được duyệt.
- UBND huyện Nam Giang là cơ quan trực tiếp quản lý quy hoạch, xây
dựng theo hồ sơ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Nam Giang giai đoạn đến
năm 2030 được duyệt; lập kế hoạch, chương trình triển khai đầu tư xây dựng
theo đúng Quy hoạch được duyệt và theo đúng các quy định của pháp luật.
- Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Nam Giang là cơ quan giúp UBND
huyện quản lý quy hoạch, xây dựng theo hồ sơ Quy hoạch xây dựng vùng huyện
Nam Giang giai đoạn đến năm 2030 đã được duyệt.
Điều 2. Nguyên tắc lập quy định quản lý
Quy định quản lý được lập trên cơ sở hồ sơ Quy hoạch xây dựng vùng
huyện Nam Giang, giai đoạn đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt và tuân
thủ quy định tại Điều 9 Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính
phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng được sửa đổi, bổ
sung tại Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019.
Chương II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Phạm vi, ranh giới, quy mô dân số, đất đai vùng quản lý
1. Phạm vi ranh giới
Phạm vi vùng quản lý: toàn bộ địa giới hành chính huyện Nam Giang; với
12 đơn vị hành chính (11 xã và thị trấn Thạnh Mỹ); có ranh giới:
+ Phía Bắc: giáp huyện Tây Giang, Đông Giang;
+ Phía Tây: giáp huyện Đăk Chưng, tỉnh Sê Kông, nước CHDCND Lào;
+ Phía Nam: giáp huyện Phước Sơn;
+ Phía Đông: giáp huyện Nông Sơn, Đại Lộc.
2. Quy mô dân số: đến năm 2030 dân số toàn huyện khoảng 33.900 người
(dân số thường trú khoảng 29.000 người); trong đó dân số đô thị khoảng 10.450
người (dân số thường trú khoảng 8.750 người).
3. Đô thị hóa: tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt khoảng 30,2%.
4. Quy mô đất đai vùng quản lý: tổng diện tích đất tự nhiên toàn vùng là
184.659,56 ha.
Điều 4. Quy định về các vùng phát triển, các không gian phát triển kinh tế
1. Các vùng phát triển
a) Vùng Đông gồm: thị trấn Thạnh Mỹ, các xã Cà Dy, Tà Bhing, Tà Pơơ;
- Diện tích: 74.324 ha, chiếm 40,25% diện tích toàn huyện.
- Trung tâm vùng: thị trấn Thạnh Mỹ.
- Định hướng phát triển: là vùng động lực tăng trưởng chính của huyện; kết
nối với khu vực Nam Quảng Nam, phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ,
và văn hóa Cơ Tu.
- Tính chất: là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của huyện Nam
Giang.
- Định hướng chính:
+ Nông lâm nghiệp: phát triển chiến lược kinh tế rừng, rừng gỗ lớn, dược
liệu dưới tán rừng, kinh tế trang trại, gia trại, trồng cao su, chăn nuôi; quản lý
bảo vệ môi trường rừng.
+ Công nghiệp: phát triển 02 cụm công nghiệp thôn Hoa và Cà Đăng.
+ Thương mại, dịch vụ: xây dựng chợ Thạnh Mỹ, trung tâm thương mại tại
thị trấn Thạnh Mỹ, trung tâm logistics.
+ Du lịch văn hóa cộng đồng kết hợp với di tích lịch sử và khai thác lợi thế
vườn quốc gia Sông Thanh.
b) Vùng Tây gồm các xã: Chơ Chun, La Êê, Zuôih, Đắc Tôi, Đắc Pre, Đắc
Pring và khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang với 2 xã La Dêê và Chà Vàl.
- Diện tích: 110.336 ha, chiếm 59,75% diện tích toàn huyện.
- Trung tâm vùng: khu kinh tế Cửa khẩu Nam Giang.
- Định hướng phát triển: phát triển vùng kinh tế Cửa khẩu Nam Giang -
Đắc Tà Oọc và vùng lâm nghiệp.
- Tính chất: thương mại dịch vụ và công nghiệp gắn với Cửa khẩu quốc tế
và nông lâm nghiệp.
- Định hướng chính:
+ Khu chức năng: khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang.
+ Thương mại, dịch vụ và công nghiệp: xây dựng chợ biên giới, trung tâm
logistics tại khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang.
+ Phát triển du lịch vườn quốc gia Sông Thanh, lòng hồ thuỷ điện.
+ Nông lâm nghiệp với loại hình trồng cao su, rừng cây gỗ lớn, trồng dược
liệu dưới tán rừng…
2. Các khu chức năng
a) Khu kinh tế: khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang. Quản lý theo quy định
đối với vùng, không gian phát triển tại khoản 3 Điều này.
b) Cụm công nghiệp: phát triển 02 cụm công nghiệp với tổng diện tích 67,2
ha. Quản lý theo quy định đối với vùng, không gian phát triển tại khoản 4 Điều
này.
c) Thuỷ điện: trên địa bàn huyện có 07 thủy điện, bao gồm: thủy điện Sông
Bung 6; thủy điện Sông Bung 4A; thủy điện Sông Bung 5; thủy điện Sông Bung
4; thủy điện Sông Bung 2; thủy điện Đắc Pring; thủy điện Sông Bung 3A.
d) Du lịch: đến năm 2030 có các điểm du lịch theo 3 loại hình chủ đạo: du
lịch di tích lịch sử, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa cộng đồng.
3. Quy định đối với vùng, không gian phát triển khu kinh tế
- Tính chất: khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang là khu kinh tế logistics, cửa
ngõ quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung kết nối với vùng Nam
Lào, Đông Bắc Thái Lan thông qua tuyến đường bộ hành lang quốc tế Đông -
Tây. Xây dựng cảng cạn gắn với hệ thống cảng biển Quảng Nam, Đà Nẵng,
Dung Quất; đẩy mạnh các hoạt động kho bãi, phân loại, đóng gói, trung
chuyển,...
+ Quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang tuân thủ theo Quyết định số
1201/QĐ – TTg ngày 14/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy
hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Lào thời kỳ 2021 -
2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Về diện tích: khoảng 34.160 ha (mở rộng thêm 3.100 ha).
- Quy định quản lý: khu kinh tế được quản lý theo hồ sơ quy hoạch chung
khu kinh tế đã được duyệt; đảm bảo tuân thủ Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày
28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế
được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 70/2023/NĐ-CP ngày 18/9/2023 sửa
đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020
của Chính phủ.
4. Quy định đối với vùng, không gian phát triển công nghiệp, tiểu thủ công
nghiệp
a) Định hướng
- Công nghiệp:
+ Đến năm 2030 đầu tư thực hiện 02 cụm công nghiệp trên địa bàn huyện.
+ Cụm công nghiệp thôn Hoa với quy mô diện tích khoảng 37,2 ha tại thị
trấn Thạnh Mỹ.
+ Cụm công nghiệp, thương mại và dịch vụ Cà Đăng với quy mô diện tích
khoảng 30 ha tại xã Tà Bhing.
- Tiểu thủ công nghiệp: phát triển các làng nghề truyền thống, đẩy mạnh
phát triển tiểu thủ công nghiệp nông thôn theo hướng khuyến khích các ngành
nghề gắn với phát triển du lịch.
b) Quy định quản lý
- Việc quản lý đầu tư phát triển các cụm công nghiệp phải tuân thủ các quy
định pháp luật về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, về quy hoạch xây dựng
và các quy định pháp luật khác có liên quan. Tên gọi, vị trí, quy mô diện tích và
phạm vi ranh giới các cụm công nghiệp sẽ được xác định cụ thể trong quá trình
triển khai các bước tiếp theo.
5. Quy định đối với vùng, không gian phát triển nông nghiệp
a) Định hướng vùng, không gian phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện
như sau: trồng cây dược liệu dưới tán rừng, trồng rừng gỗ lớn, trang trại, dự án
trồng cây dược liệu và công nghệ cao, trồng cây ăn quả, vườn ươm cây giống,
khu chăn nuôi tập trung nhỏ và vừa, vùng sản xuất nông lâm nghiệp làng thanh
niên lập nghiệp.
b) Quy định quản lý khu vực nông nghiệp được xác định theo bản đồ định
hướng phát triển không gian vùng được quy định quản lý cụ thể:
- Ưu tiên phát triển nông nghiệp, hạn chế các khu chức năng khác.
- Các khu chức năng, điểm dân cư hiện hữu thực hiện cải tạo, chỉnh trang
và xen cấy theo quy định.
- Đối với các dự án trồng rừng gỗ lớn và trồng cây dược liệu dưới tán rừng
vị trí cụ thể sẽ được xác định cụ thể ở bước lập dự án đầu tư, đảm bảo các yêu
cầu về quản lý và bảo vệ rừng.
- Khu vực nông nghiệp nằm xen kẽ trong các khu vực chức năng khác được
xác định cụ thể trong các đồ án Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và quy
hoạch khu chức năng.
6. Quy định đối với vùng, không gian phát triển thương mại dịch vụ
a) Định hướng vùng, không gian phát triển thương mại, dịch vụ và logistics
trên địa bàn huyện theo định hướng phát triển ngành thương mại, dịch vụ tỉnh.
b) Quy định quản lý các vùng, không gian phát triển thương mại, dịch vụ
và logistics trên địa bàn huyện, cụ thể:
- Ưu tiên phát triển chức năng thương mại dịch vụ, và logistics.
- Tại các điểm dân cư hiện hữu thực hiện cải tạo, chỉnh trang và xen cấy
theo quy định.
- Không gian phát triển trung tâm thương mại dịch vụ và logistics tập trung
phát triển tại khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang, đô thị Thạnh Mỹ các trung tâm
cụm xã theo định hướng quy hoạch.
7. Quy định đối với vùng, không gian phát triển du lịch
a) Định hướng phát triển
- Du lịch di tích lịch sử: Tượng đài lịch sử Trường Sơn, Khu di tích lịch sử
Bến Giằng, Nhà bia tưởng niệm xã La Dêê.
- Du lịch sinh thái: khai thác lợi thế vườn quốc gia Sông Thanh theo Đề Án
Du Lịch Sinh Thái, Nghỉ Dưỡng, Giải Trí Vườn Quốc Gia Sông Thanh; Khu du
lịch sinh thái thác Grăng; điểm du lịch suối Tiên làng Rô xã Cà Dy; điểm du lịch
sinh thái Khe Rọm; điểm du lịch sinh thái sông Chà Cóp; du lịch lòng hồ thủy
điện…
- Du lịch văn hóa cộng đồng: tuyến du lịch cửa khẩu Nam Giang; du lịch
cộng đồng Tà Bhing, làng dệt thổ cẩm Cơ Tu Zơ Ra; du lịch dựa vào cộng đồng
tại tổ dân phố Đồng Râm (trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, cảnh quan, văn
hóa và sản xuất nông nghiệp).
b) Quy định quản lý
- Du lịch di tích lịch sử: cần đảm bảo các quy định về quản lý, bảo tồn, phát
huy các giá trị của khu di tích theo Luật Di sản văn hóa và pháp luật khác có liên
quan.
- Du lịch sinh thái: vị trí cụ thể các điểm du lịch sẽ được xác định tại các
bước tiếp theo. Tuy nhiên phải đảm bảo các yêu cầu về hành lang bảo vệ nguồn
nước, hành lang bảo vệ lòng hồ theo Luật Tài nguyên nước; Luật Lâm nghiệp;
và các nội dung về các phân khu chức năng của Vườn quốc gia Sông Thanh và
Khu bảo tồn sinh cảnh voi.
- Du lịch văn hóa cộng đồng: vị trí cụ thể các điểm dịch vụ du lịch phục vụ
du lịch văn hóa cộng đồng sẽ được cụ thể hóa trong đồ án quy hoạch chung xã,
quy hoạch chung đô thị, quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu.
- Khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên du lịch và bảo tồn các di
tích lịch sử - văn hóa, cảnh quan thiên nhiên hướng tới mục tiêu phát triển bền
vững gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, không có tác
động tiêu cực do phát triển du lịch làm ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, tài
nguyên, môi trường, điều kiện tự nhiên, các hành lang bảo vệ nguồn nước,...
- Bảo đảm tính liên kết giữa các địa phương trong vùng, khai thác sử dụng
kết cấu hạ tầng hiện có; phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển
sản phẩm du lịch.
Điều 5. Quy định về quản lý hệ thống đô thị và nông thôn
1. Quy định về quản lý hệ thống đô thị
Đến năm 2030 Nam Giang có 01 đô thị là thị trấn Thạnh Mỹ; loại đô thị:
loại V; diện tích khoảng 20.727,99 ha; các chỉ tiêu phát triển đô thị được xác
định theo các đồ án quy hoạch chung.
2. Quy định về quản lý hệ thống nông thôn
a) Định hướng phát triển
- Huyện Nam Giang có 11 đơn vị hành chính cấp xã tại khu vực nông thôn.
- Về định hướng phát triển các trung tâm cụm xã và trung tâm xã:
+ Đầu tư hạ tầng kỹ thuật và xã hội, phát triển trung tâm cụm xã: huyện
Nam Giang chia làm 2 phân vùng phát triển, vùng đông có trung tâm là thị trấn
Thạnh Mỹ vì vậy vùng đông không phát triển trung tâm cụm xã, vùng Tây có
Khu kinh tế Cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc đóng vai trò là trung tâm của
vùng phát triển nông thôn phía Tây với Chà Vàl vừa là trung tâm của khu kinh
tế Cửa khẩu Nam Giang là trung tâm cụm xã của tiểu vùng phía Tây.
+ Trung tâm xã: phát triển khu trung tâm các xã còn lại theo quy hoạch chi
tiết trung tâm xã được phê duyệt.
b) Quy định quản lý
- Các xã phải được lập quy hoạch chung xây dựng để cụ thể hóa các quy
hoạch cấp trên, làm cơ sở lập các quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông
thôn và lập các dự án đầu tư xây dựng.
- Khu vực phát triển dân cư nông thôn bao gồm nhiều chức năng của xã
như: khu ở (gồm lô đất ở gia đình và các công trình phục vụ trong thôn, xóm);
Khu trung tâm (hành chính, dịch vụ - thương mại, văn hóa - thể thao); các công
trình sản xuất và phục vụ sản xuất; các công trình hạ tầng kỹ thuật; các công
trình hạ tầng xã hội; tiểu thủ công nghiệp; khu dành cho sản xuất nông, lâm, ngư
nghiệp và các mục đích khác.
- Trong quá trình lập quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch chi tiết
điểm dân cư nông thôn và triển khai các dự án cần lưu ý:
+ Vị trí, quy mô quy hoạch, xây dựng các điểm dân cư, khu ở mới phải phù
hợp với quy mô dân số phát triển, tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp
huyện đã được phê duyệt; đảm bảo tuân thủ quy định về phòng chống thiên tai
và an toàn môi trường.
+ Duy trì các hành lang xanh, không gian nông nghiệp kết hợp với hành
lang thoát lũ liên kết với các khu vực nông nghiệp, khu vực bảo vệ cảnh quan,
sông suối, mặt nước.
- Phát triển hoàn thiện các khu trung tâm xã theo quy hoạch nông thôn mới
được duyệt, khuyến khích áp dụng các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn về hạ tầng kỹ
thuật đô thị.
Điều 6. Quy định về vị trí, vai trò, chức năng, quy mô các công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật mang tính chất vùng
1. Quy định về các công trình hạ tầng xã hội
- Trung tâm hành chính huyện Nam Giang tại thị trấn Thạnh Mỹ, là trung
tâm hành chính, chính trị, kinh tế và văn hóa của huyện.
- Mạng lưới y tế: đầu tư nâng cấp Trung tâm y tế huyện; củng cố và nâng
cấp mạng lưới y tế cơ sở.
- Mạng lưới giáo dục: nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất các trường THPT,
Trường PTDTNT THCS Nam Giang; đầu tư xây dựng Trung tâm giáo dục nghề
nghiệp huyện.
- Mạng lưới văn hóa – thể thao: đầu tư hoàn thiện trung tâm văn hóa - thể
thao và truyền thanh - truyền hình và khu liên hợp thể thao huyện Nam Giang tại
thị trấn Thạnh Mỹ; nâng cấp các nhà văn hóa và khu thể thao cấp xã đạt chuẩn
phục vụ nhân dân.
2. Quy định về các công trình hạ tầng kỹ thuật
a) Quy định quản lý cao độ san nền
- Trên cơ sở cao độ tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện, các
tuyến đường quy hoạch mới được khống chế cao độ phù hợp với các tuyến
đường hiện trạng và hài hòa với địa hình tự nhiên trong khu vực. Khống chế độ
nền xây dựng như sau:
+ Cao độ khống chế nền tối thiểu (Hxd) phải cao hơn mực nước tính toán
(Htt) tối thiểu 0,3m đối với đất dân dụng và 0,5m đối với đất công nghiệp: Hxd
=Htt + 0,3m (0,5m).
+ Hạn chế san nền tại các khu vực dễ xảy ra sạt lở; khu vực nông nghiệp;
mặt nước, sông suối.
+ Khuyến khích các giải pháp xây dựng phân tán bám địa hình, có khoảng
cách ly đối với sông, suối
b) Quy định quản lý thoát nước
- Xây dựng hệ thống thoát nước hoàn chỉnh cho khu vực đô thị, hệ thống
thu gom xử lý nước thải riêng để đảm bảo tiêu chuẩn môi trường;
- Hệ thống thoát nước đô thị phải đảm bảo chức năng thoát nước hoàn toàn
cho đô thị, nhanh chóng, kịp thời, không gây ngập úng cục bộ.
- Kiên cố hóa các mương tiêu để tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thoát nước
của khu vực dân cư và các cánh đồng.
- Tại khu vực đô thị và các khu đô thị mới:
+ Xây dựng hệ thống thoát nước riêng, nước mưa và nước thải sinh hoạt đi
riêng để đảm bảo yêu cầu về môi trường cho đô thị;
+ 100% đường nội thị phải có hệ thống thoát nước mưa;
+ Tối thiểu 60% đường ngoại thị phải có hệ thống thoát nước mưa.
+ Hệ thống thoát nước bố trí dọc theo các tuyến đường giao thông, các
tuyến cống chính nằm trên các trục đường lớn hoặc các tuyến đường ven sông
để thu gom nước và thoát ra sông qua các cửa xả.
+ Các tuyến cống thoát nước mưa sử dụng mương hoặc cống bê tông cốt
thép. Các cửa xả đảm bảo thoát nước dễ dàng và đảm bảo mỹ quan đô thị.
- Tại khu vực dân cư làng xóm nông thôn:
+ Căn cứ quy hoạch tiêu thoát nước của các Quy hoạch xây dựng nông
thôn mới của các xã để xây dựng hệ thống mương tiêu thoát nước cho từng khu
vực trong các xã, đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng các hệ thống mương tiêu, nạo
vét các mương suối hiện trạng để nâng cao khả năng thoát nước, kiên cố hóa các
ao hồ vừa là nơi chứa nước tưới tiêu thủy lợi, vừa có tác dụng điều hòa lượng
nước mưa;
+ Xây dựng hệ thống thoát nước theo các trục đường thôn, xóm hiện hữu;
+ Tại những khu vực nơi tuyến giao thông đi qua có taluy dương (không bố
trí dân cư) sử dụng mương hở dạng hình thang sát chân taluy dương để đón
nước từ trên sườn núi. Giữa các cấp nền tại chân taluy sử dụng mương hở đón
nước mưa dẫn ra hệ thống thoát nước mưa của khu vực.
+ Các cống hiện có được giữ lại sử dụng và đấu nối hợp lý với cống mới
xây dựng.
+ Nạo vét, khơi thông các tuyến mương tiêu, các ao hồ tiêu nước cho khu
vực;
+ Kết hợp với các chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình xây dựng
nông thôn mới để kiên cố hóa hệ thống kênh mương tiêu thoát nước (tùy theo
điều kiện làm kết cấu cống BTCT, mương xây hở hoặc mương xây đậy nắp đan
BTCT).
+ Ngăn cấm các hành vi lấn chiếm, ngăn cản dòng chảy của các tuyến kênh
mương tiêu thoát nước
c) Quy định quản lý công trình giao thông
- Phát triển mạng lưới công trình giao thông theo hướng đồng bộ, hiện
đại,đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội; phù hợp với Quy hoạch
tỉnh Quảng Nam, quy hoạch đô thị, nông thôn.
d) Quy định quản lý công trình cấp nước
- Phát triển hệ thống công trình cấp nước theo hướng đồng bộ, hiện đại, sử
dụng hợp lý nguồn nước mặt, phù hợp với xu thế mới; phù hợp với quy hoạch
tỉnh;
- Tập trung đầu tư nâng cấp mở rộng hệ thống cấp nước. Nâng cấp mở rộng
nhà máy nước Thạnh Mỹ lên công suất 5.000m3/ngày đêm, cấp nước cho đô thị
Thạnh Mỹ và các vùng phụ cận. Đầu tư xây dựng nhà máy nước Chà Vàl công
suất 2.000 m3/ngày đêm, nguồn nước thô từ Sông Bung cung cấp cho xã Chà
Vàl và các xã lân cận.
- Xây dựng các công trình nước sinh hoạt với quy mô liên thôn, liên xã
phục vụ các khu trung tâm xã, thường xuyên tổ chức sửa chữa, nâng cấp các
công trình nước sinh hoạt đã đầu tư xây dựng nhằm phục vụ nước sinh hoạt cho
nhân dân.
đ) Quy định quản lý công trình thủy lợi
Đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi phục vụ sản xuất, tập trung
chủ yếu nâng cấp các công trình thuỷ lợi, kéo dài và kiên cố hóa kênh mương,
nâng cao hiệu quả hoạt động của các hồ chứa, trạm bơm, đập trên địa bàn huyện,
đảm bảo phù hợp với Quy hoạch thủy lợi tỉnh Quảng Nam đến năm 2025 và
định hướng đến năm 2030.
e) Quy định quản lý công trình cấp điện
- Tổng nhu cầu cấp điện toàn huyện đến năm 2030 đạt khoảng 12,75MVA.
- Nguồn điện trong khu vực được cấp điện từ nguồn lưới Quốc gia, từ trạm
biến áp trung gian 220kV Thạnh Mỹ, quy mô công suất đến năm 2030:
2x250MVA, cấp điện áp 220/110/22kV và thủy điện Sông Bung 3 dự kiến đến
năm 2030 công suất 25MW
- Lưới điện: lưới điện 35kV chuyển sang vận hành ở cấp điện áp 22kV, dần
xóa bỏ lưới 35kV.
g) Quy định quản lý công trình thoát nước thải
- Công suất dự kiện trạm xử lý nước thải sinh hoạt đô thị: tại đô thị Thạnh
Mỹ 02 trạm xử lý nước thải tổng công suất đạt 1.600 m3/ngày đêm (dự kiến diện
tích khoảng 0,4ha); Tại khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang xây dựng 01 trạm xử
lý nước thải sinh hoạt tổng công suất đạt 900 m3/ngày đêm (dự kiến diện tích
khoảng 0,2ha).
- Khu vực đô thị: sử dụng hệ thống thoát nước riêng giữa nước thải và
nước mưa đối với khu vực trung tâm huyện hiện hữu hệ thống thoát nước chung
thì xây dựng cống bao và giếng tách để tách riêng nước thải; đối với khu dân cư
mới, xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng hoàn toàn sau đó dẫn về trạm xử
lý dự kiến trong khu vực. Nước thải được thu gom theo các tuyến cống chính
dẫn về trạm xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường.
- Nước thải sinh hoạt khu vực nông thôn:
+ Khu dân cư tập trung mới phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước
thải riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa để tổ chức thu gom để xử lý làm
sạch trước khi xả ra môi trường (sông, suối hoặc lưu giữ để tưới cây).
+ Khu dân cư tập trung hiện hữu đã có mạng lưới thoát nước chung sẽ dần
dần đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, mở rộng thành hệ thống thoát nước riêng
để thu gom, vận chuyển nước thải về trạm xử lý nước thải để làm sạch trước khi
xả ra môi trường (sông, suối hoặc lưu giữ để tưới cây).
- Nước thải công nghiệp: Sử dụng hệ thống thoát nước riêng giữa nước
thải và nước mưa. Nước thải được dẫn về trạm xử lý, mỗi khu công nghiệp đều
xây dựng trạm xử lý riêng trước khi thải ra môi trường.
- Tùy thuộc vào công suất xử lý và lựa chọn công nghệ xử lý nước thải
bằng phương pháp cơ học, hóa lý và sinh học, phương pháp pháp xử lý mùi, bùn
mà trạm xử lý nước thải phải đảm bảo Khoảng cách an toàn về môi trường đối
với khu xử lý theo QCVN 01:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về quy
hoạch xây dựng.
- Đối với các trang trại chăn nuôi tập trung, giết mổ gia súc, gia cầm: cần
xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường.
h) Quy định quản lý công trình xử lý chất thải rắn
- Quy hoạch 02 khu xử lý chất thải rắn: (1) khu xử lý chất thải rắn thôn
Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ với quy mô diện tích khoảng 1,6 ha cho vùng Đông. (2)
khu xử lý chất thải rắn Chà Vàl cho vùng Tây.
- Quy hoạch 02 bãi thải tại thị trấn Thạnh Mỹ và xà Chà Vàl để phục vụ
đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn huyện, quy mô mỗi bãi thải từ 25 -
30ha. Bố trí 02 bãi thải gần khu xử lý chất thải rắn thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ
và khu xử lý chất thải rắn Chà Vàl.
- Khu xử lý chất thải rắn đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường đối
với khu xử lý theo QCVN 01:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về quy
hoạch xây dựng và các quy định có liên quan.
i) Quy định quản lý công trình nghĩa trang
- Việc quy hoạch hệ thống nghĩa trang nhân dân phải phù hợp với các yếu
tố địa hình, điều kiện đất đai, phong tục tập quán và văn hóa tâm linh của người
dân trong vùng. Đối với các xã, nghĩa trang nhân dân của xã được thực hiện theo
quy hoạch chung xây dựng xã và phải đảm bảo quy định về vệ sinh môi trường
theo QCVN 01:2021/BXD của Bộ Xây dựng và các quy định pháp luật hiện
hành có liên quan. Hạn chế đầu tư phân tán, tập trung đầu tư các nghĩa trang cấp
huyện, cấp vùng theo Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 08/4/2022 của Ban Thường vụ
Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, sắp xếp
và quản lý nghĩa trang nhân dân trên địa bàn tỉnh.
- Khoanh vùng và đóng cửa các khu nghĩa trang nhân dân phân tán, gần
khu dân cư trong khu vực nhằm đảm bảo môi trường.
- Các công trình nghĩa trang phải đảm bảo khoảng cách ly. Tổ chức trồng
cây bóng mát và sắp xếp các ngôi mộ theo hàng, lối, xây dựng các tuyến đường
chính vào nghĩa trang và các tuyến nhánh trong nghĩa trang, xây dựng hệ thống
thoát nước, hướng dẫn nhân dân thực hiện chôn cất đúng quy định.
k) Hạ tầng viễn thông
- Xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng viễn thông có công nghệ hiện
đại; có độ bao phủ rộng khắp trên địa bàn huyện. Thực hiện từng bước việc
ngầm hóa hạ tầng mạng cáp viễn thông trong khu vực đô thị.
Điều 7. Quy định về phạm vi bảo vệ, hành lang an toàn đối với các
công trình đầu mối, các công trình hạ tầng kỹ thuật chính theo tuyến mang
tính chất vùng, liên vùng và các biện pháp bảo vệ môi trường
1. Quy định về phạm vi bảo vệ, hành lang công trình giao thông
- Đối với đường bộ: quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
theo quy định hiện hành của pháp luật về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao
thông đường bộ.
- Phạm vi hành lang bảo vệ các tuyến đường thủy nội địa phải đảm bảo
theo quy định hiện hành của pháp luật về quản lý hoạt động đường thủy nội địa.
- Đối với đường thủy: tuân thủ hành lang bảo vệ luồng theo quy định của
Luật Giao thông đường thủy nội địa và các quy định hiện hành.
2. Quy định về phạm vi bảo vệ, hành lang công trình cấp nước
- Phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước tuân thủ theo quy định tại Nghị
định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước số 114/2018/NĐ-CP; QCVN
01:2018/BYT Quy chuẩn quốc giá về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục
đích sinh hoạt và QCVN 01:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về quy
hoạch xây dựng.
- Đối với công trình cấp nước Quy định vùng bảo vệ nhà máy nước và bảo
vệ nguồn nước mặt cấp cho nhà máy, được thực hiện theo quy định tại QCVN
01:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về quy hoạch xây dựng; QCVN 07-
1:2023/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia - công trình cấp nước và QCVN 01:
2018/BYT Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích
sinh hoạt.
- Đối với các hồ chứa thủy lợi, sông, suối, kênh, rạch, hồ tự nhiên, hồ nhân
tạo ở đô thị, khu dân cư tập trung và các nguồn nước khác: thực hiện theo các
yêu cầu về bảo vệ, hành lang an toàn nguồn nước theo quy định hiện hành của
pháp luật.
3. Quy định về phạm vi bảo vệ, hành lang công trình thoát nước
- Tổ chức mạng lưới thoát nước phù hợp với điều kiện địa hình. Hệ thống
thoát nước được chia thành nhiều nhánh để thoát ra các sông;
- Xây dựng hệ thống thoát nước mưa riêng, hoàn chỉnh ở tất cả các khu vực
đô thị và các khu dân cư tập trung xây dựng mới tại nông thôn. Các khu vực đã
có hệ thống thoát nước chung, không có khả năng cải tạo thì xây dựng giếng
tách, cống bao tại cuối các tuyến cống chính trước các miệng xả, đưa về trạm xử
lý tập trung trước khi xả ra môi trường.
- Phạm vi bảo vệ, hành lang bảo vệ nguồn nước phải tuân thủ quy định của
pháp luật về Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi, QCVN 07-1:2023/BXDCông trình cấp nước, QCVN 01:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về
Quy hoạch xây dựng.
4. Quy định về phạm vi bảo vệ, hành lang công trình cấp điện
- Phạm vi bảo vệ, hành lang công trình cấp điện tuân thủ quy định ngành
điện và Quy chuẩn QCVN 07-5:2023/BXD - Công trình cấp điện;
- Phát triển hệ thống cấp điện phải có khả năng đáp ứng nhu cầu trước mắt
và đảm bảo dự phòng phát triển cho tương lai;
- Công trình cấp điện đảm bảo đạt thông số kỹ thuật an toàn theo quy định.
5. Quy định về phạm vi bảo vệ, hành lang công trình quản lý chất thải rắn
- Quản lý chất thải rắn tuân thủ quy định về quản lý chất thải rắn và phế
liệu.
- Quy định về phạm vi bảo vệ, hành lang công trình rác thải tuân thủ các
quy định tại Quy chuẩn QCVN 07-9:2023/BXD - Công trình thu gom, xử lý
chất thải rắn và nhà vệ sinh công cộng.
6. Quy định về phạm vi bảo vệ, hành lang công trình nghĩa trang
- Quản lý hệ thống nghĩa trang tuân thủ quy định về xây dựng, quản lý và
sử dụng nghĩa trang.
- Quy định về phạm vi bảo vệ, hành lang công trình nghĩa trang tuân thủ
các quy định tại Quy chuẩn QCVN 07-10:2023/BXD - Công trình nghĩa trang,
cơ sở hỏa táng, nhà tang lễ.
7. Biện pháp bảo vệ môi trường
- Tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường và các quy định về quy hoạch bảo vệ
môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và
giấy phép môi trường; đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường trong đồ án quy
hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
- Đảm bảo các yêu cầu về phòng chống thiên tai theo quy định và Quyết
định số 11/2023/QĐ-UBND ngày 10/5/2023 của UBND tỉnh; đảm bảo các yêu
cầu về ứng phó biến đổi khí hậu theo quy định và Quyết định số 2579/QĐ-
UBND ngày 21/9/2020 của UBND tỉnh; đảm bảo các phương án ứng phó với
thiên tai theo các cấp độ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tại Quyết định số
2078/QĐ-UBND ngày 06/9/2024 của UBND tỉnh Quảng Nam.
- Nghiên cứu chỉnh trang, xây dựng hệ thống thủy lợi kết hợp tiêu thoát
nước phù hợp theo từng giai đoạn phát triển; phát triển đô thị phải đồng bộ với
giải pháp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật; định kỳ đánh giá và đề xuất các giải pháp
hạn chế các tác động về môi trường trong quá trình phát triển.
- Thực hiện các biện pháp tổng thể giải quyết các vấn đề môi trường, bao
gồm: biện pháp kiểm soát ô nhiễm nguồn nước, biện pháp kiểm soát ô nhiễm
không khí, giảm thiểu tác động đến môi trường đất, biện pháp quản lý chất thải
rắn.
- Giải pháp giảm thiểu sạt lở:
+ Lập bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét. Tổ chức cắm biển cảnh
báo tại những khu vực bị sạt lở và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở khu vực ven
sông, suối, đồi núi.
+ Xây dựng các công trình khắc phục sự cố sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến
an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng ven sông suối như kè chống sạt lở. Tổ chức di dời
các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ bị sạt lở; bố trí tái định cư theo các hình
thức tái định cư xen ghép hoặc xây dựng khu tái định cư tập trung phù hợp với
điều kiện cụ thể của từng khu vực.
+ Điều tra, đánh giá và xây dựng hệ thống cảnh báo tại những khu vực sạt
lở và có nguy cơ xảy ra sạt lở cao
- Khu vực đô thị: bảo vệ cảnh quan, cải thiện giao thông đô thị; giảm thiểu
tác động do thay đổi sử dụng đất, nâng cao chất lượng môi trường. Kiểm soát ô
nhiễm môi trường đô thị, xử lý triệt để các tác nhân gây ô nhiễm môi trường.
- Khu vực nông thôn: hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, kiểm soát ô
nhiễm, giảm nhẹ tác động do việc tái định cư, thay đổi sử dụng đất.
Điều 8. Quy định về bảo tồn các di sản thiên nhiên, các công trình kiến
trúc có giá trị, khu danh lam thắng cảnh, khu di tích lịch sử, văn hóa
1. Quy định về bảo tồn các di sản thiên nhiên, khu danh lam thắng cảnh
- Đối với hành lang các sông, suối tự nhiên trong khu vực quản lý theo quy
định về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.
- Đối với các khu danh lam thắng cảnh được khai thác theo hướng bảo tồn
và tuân thủ theo quy hoạch chi tiết được duyệt và các quy định của pháp luật.
- Đối với Vườn quốc gia sông Thanh và vùng đệm khu bảo tồn sinh cảnh
voi tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tại các Quyết định số 3689/QĐ-UBND
ngày 18/12/2020 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc chuyển hạng khu bảo tồn
thiên nhiên sông Thanh thành Vườn quốc gia Sông Thanh, tỉnh Quảng Nam;
Quyết định số 683/QĐ-UBND, ngày 06/3/2017 của UBND tỉnh Quảng Nam về
việc phê duyệt đề án xác lập khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi tỉnh Quảng Nam.
2. Quy định về bảo tồn khu di tích lịch sử, văn hóa, các công trình kiến trúc
có giá trị trong vùng
Thực hiện quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích theo quy định của
pháp luật hiện hành.
Chương III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Tổ chức thực hiện
1. UBND huyện Nam Giang có trách nhiệm:
- Công bố công khai hồ sơ quy hoạch xây dựng vùng huyện Nam Giang
giai đoạn đến năm 2030 theo đúng quy định hiện hành, đối với những nội dung
thuộc bí mật nhà nước phải bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ bí
mật nhà nước; tổ chức bàn giao hồ sơ, tài liệu quy hoạch cho địa phương, các
đơn vị liên quan làm cơ sở để quản lý và tổ chức thực hiện theo quy hoạch được
duyệt và đúng quy định pháp luật.
- Xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng phát
triển đô thị, nông thôn, khu chức năng theo quy hoạch xây dựng vùng huyện
được duyệt theo quy định tại Điều 48 Luật Xây dựng được sửa đổi, bổ sung tại
Điều 28 của Luật số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018, Điều 28 Nghị định số
44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội
dung về quy hoạch xây dựng và các quy định điều chỉnh bổ sung.
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND tỉnh về tính chính xác của
các nội dung, thông tin, dữ liệu, số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, bản đồ, bản vẽ,
cơ sở dữ liệu trong hồ sơ đồ án quy hoạch (quy mô diện tích, ranh giới hành
chính huyện, thị trấn, các xã, hiện trạng sử dụng đất, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ
thuật, hiện trạng đất lâm nghiệp, đất lúa, môi trường,…) bảo đảm tuân thủ theo
quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng hiện hành và các quy định pháp luật
có liên quan, đảm bảo đầy đủ thông tin, nội dung hồ sơ quy hoạch xây dựng
vùng huyện theo quy định tại Thông tư số 04/2022/TT-BXD ngày 24/10/2022
của Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ nhiệm vụ và hồ sơ đồ án quy hoạch xây
dựng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch
xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông thôn.
2. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan theo
dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát UBND huyện Nam Giang quản lý quy hoạch
xây dựng vùng huyện Nam Giang được duyệt theo quy định.
3. Các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và
Phát triển Nông thôn, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin
và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Lao
động, Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông; Bộ Chỉ huy Quân sự
tỉnh; Công an tỉnh và các Sở, Ban, ngành, đơn vị liên quan căn cứ chức năng,
nhiệm vụ được giao theo dõi, hướng dẫn, phối hợp với UBND huyện Nam
Giang trong quá trình quản lý phát triển theo đúng quy hoạch được duyệt.
Điều 10. Giám sát thực hiện
Tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư tại khu vực có trách nhiệm kiểm tra,
giám sát việc quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý hiện trạng, trật tự xây
dựng theo hồ sơ quy hoạch và Quy định quản lý xây dựng được công bố công
khai.
Điều 11. Lưu trữ và công bố
Quy định quản lý này được ban hành và lưu giữ tại UBND tỉnh, Sở Xây
dựng; UBND huyện Nam Giang phải thực hiện việc lưu trữ hồ sơ đồ án quy
hoạch xây dựng được phê duyệt theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
Quy định quản lý được công bố và niêm yết công khai tại trụ sở UBND
huyện Nam Giang và các vị trí phù hợp khác để các cơ quan, tổ chức, cá nhân,
cộng đồng dân cư liên quan biết, kiểm tra, giám sát và thực hiện./.