1.QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CỦA ĐỒ ÁN
1.1 Quan điểm nghiên cứu
- Quy hoạch phát triển không gian TP. Bảo Lộc và vùng phụ cận phải được đặt trong mối quan hệ với không gian vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Tây Nguyên.
- Phát triển bền vững, nâng cao chất lượng đô thị và bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên, bảo tồn các di sản kiến trúc và cảnh quan đặc thù.
- Kế thừa các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt.
1.2 Mục tiêu phát triển
- Quy hoạch và phát triển thành phố Bảo Lộc trở thành đô thị loại II vào năm 2025 và tiếp tục xây dựng thành phố tiệm cận tiêu chuẩn loại I vào năm 2040, theo xu hướng quy mô tương đương tỉnh lỵ.
- Xây dựng thành phố Bảo Lộc trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
- Là đầu mối giao thông về đường bộ của vùng, trở thành một điểm đến hấp dẫn phía Nam của tỉnh trong tương lai.
- Phát triển các trung tâm chuyên ngành cấp vùng và quốc gia bao gồm: Thương mại - Dịch vụ, Dịch vụ du lịch, trung tâm Văn hóa – thể dục thể thao cấp quốc gia, trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - thông minh - hữu cơ.
- Phát triển bền vững, có bản sắc, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng linh hoạt các nhu cầu phát triển trong nền kinh tế thị trường và bối cảnh hội nhập quốc tế.
- Phát triển không gian thành phố Bảo Lộc đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo chiến lược tăng trưởng xanh, trở thành một đô thị hiện đại, sinh thái với các làng đô thị xanh và đặc thù cảnh quan của xứ B’Lao.
- Vùng phụ cận thành phố Bảo Lộc sẽ phát triển theo hướng hỗ trợ và tương tác lẫn nhau với các chức năng đô thị của thành phố Bảo Lộc theo tiềm năng lợi thế riêng của từng địa phương theo hướng tích cực, bền vững và thông minh.
1.3 Nhiệm vụ quy hoạch
- Phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên và hiện trạng kinh tế - xã hội; dân số, lao động; sử dụng đất đai; hiện trạng về xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội (trường học, y tế, cơ sở văn hóa - thể thao - khu vui chơi giải trí...), khu dân cư, các dự án và môi trường cảnh quan đô thị.
- Phân tích đánh giá hiện trạng, tiềm năng, động lực của các vùng phụ cận thành phố Bảo Lộc, gồm các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên.
- Rà soát, phân tích và đánh giá các quy hoạch đã được phê duyệt và thực hiện quy hoạch trên địa bàn nghiên cứu thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận. Nghiên cứu đánh giá các đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt.
- Đánh giá tổng hợp phát triển đô thị (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức).
- Xác định tổng quan đối với yêu cầu định hướng phát triển không gian đô thị, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, di tích di sản sau khi đánh giá hiện trạng; định hướng phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh.
- Đề xuất mục tiêu phát triển, tính chất đô thị; dự báo quy mô dân số, lao động và quy mô đất đai xây dựng đô thị; xác định các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật cho các giai đoạn phát triển đô thị hướng tới tiêu chí đô thị loại I.
- Đề xuất mô hình phát triển và cấu trúc không gian đô thị thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận, trên cơ sở xác định quan điểm, tầm nhìn và các mục tiêu chiến lược.
- Định hướng cơ cấu tổ chức không gian, định hướng phân vùng phát triển, định hướng phát triển không gian đô thị.
- Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị: Chuẩn bị kỹ thuật, giao thông, cấp nước, cấp điện và chiếu sáng đô thị, thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang, xác định quy mô hệ thống thông tin liên lạc (các trạm và các mạng truyền dẫn, di động và các công trình phụ trợ) và các công trình khác.
- Định hướng thiết kế đô thị: Định hướng khung thiết kế đô thị tổng thể, định hướng tổ chức không gian, kiến trúc, đề xuất quy định bảo tồn, khai thác, phát huy cảnh quan mặt nước tự nhiên và bảo vệ môi trường sinh thái.
- Đánh giá môi trường chiến lược: dự báo, đánh giá tác động môi trường và đề xuất biện pháp để giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến môi trường.
- Đề xuất danh mục các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư và thu hút nguồn lực đầu tư, hình thức đầu tư trong giai đoạn ngắn hạn và dài hạn.
2.PHẠM VI QUY HOẠCH VÀ GIAI ĐOẠN LẬP QUY HOẠCH
2.1 Phạm vi lập quy hoạch
- Căn cứ Quy hoạch Xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1848/QĐ-TTg ngày 27/12/2016;
- Căn cứ Nghị quyết số 05 về phát triển TP Bảo Lộc giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng (Khóa XI).
- Căn cứ Quyết định số 3362/QĐ-UBND ngày15/12/2008 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt đồ án: “Điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Bảo Lộc đến năm 2025”;
- Căn cứ Quyết định số 225/QĐ- BXD Ngày 11/03/2009 của Bộ Xây dựng về việc Công nhận thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng là đô thị loại III;
- Căn cứ Quyết định số 1364/QĐ-UBND ngày 05/7/2018 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc Phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2040;
- Vị trí: Thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận thuộc tỉnh Lâm Đồng.
- Phạm vi: Bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của thành phố Bảo Lộc (06 phường, 05 xã) và vùng phụ cận thuộc huyện Bảo Lâm (gồm 05 xã Lộc An, Lộc Tân, Lộc Thành, Lộc Nam, Tân Lạc).
- Quy mô: tổng diện tích tự nhiên 598,49 km2 (59.849,2 ha), dân số trung bình đạt 215.278 người (Theo niên giám thống kê Lâm Đồng năm 2021).
Hiện nay, cùng với Đà Lạt, Thành phố Bảo Lộc chính thức là một trong hai thành phố thuộc tỉnh Lâm Đồng với 11 đơn vị cấp xã trực thuộc, gồm 6 phường: 1, 2, B'Lao, Lộc Phát, Lộc Sơn, Lộc Tiến và 5 xã: Đại Lào, ĐamB’ri, Lộc Châu, Lộc Nga, Lộc Thanh với 120 thôn, buôn, xóm, tổ dân phố. Dân số thành phố Bảo Lộc năm 2021 đạt 161.235 người, diện tích đạt 233,95 km2.
2.2 Phạm vi nghiên cứu vùng bán kính ảnh hưởng
- Phạm vi nghiên cứu quy hoạch vùng bán kính ảnh hưởng của TP. Bảo Lộc và vùng phụ cận bao gồm: Bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của thành phố Bảo Lộc (06 phường, 05 xã) và vùng phụ cận thuộc huyện Bảo Lâm (gồm 05 xã Lộc An, Lộc Tân, Lộc Thành, Lộc Nam, Tân Lạc). Tổng diện tích tự nhiên 598,49 km2 (59.849,2 ha), dân số trung bình đạt 217.532 người (Theo niên giám thống kê Lâm Đồng năm 2021, Niên giám thống kê huyện Bảo Lâm năm 2021).
- Ranh giới lập quy hoạch chung:
+ Phía Đông giáp huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng;
+ Phía Tây giáp huyện Đạ Tẻh và huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng.
+ Phía Nam giáp huyện Tánh Linh, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận;
+ Phía Bắc giáp các xã còn lại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng;
- TP. Bảo Lộc là tâm điểm cách thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đồng Nai - vùng kinh tế trọng điểm phía nam của cả nước - 200km, cách thành phố Đà Lạt 115km, cách thành phố Phan Thiết 200km và cách sân bay Liên Khương (Đức Trọng) 90km.