I/ MỤC TIÊU, TÍNH CHẤT VÀ NHIỆM VỤ ĐỒ ÁN:
1. Quan điểm phát triển vùng:
- Tiếp cận chiến lược phát triển mới, phương pháp luận mới, sử dụng các công cụ phân tích.
- Xây dựng tầm nhìn và các mục tiêu chiến lược, gắn với đa ngành, phát triển toàn diện và cân bằng.
- Đặt sự phát triển của vùng huyện Xuân Lộc trong bối cảnh phát triển tương lai quốc tế, quốc gia, tỉnh Đồng Nai và các vùng kinh tế trọng điểm.
- Phát triển nhanh, cân bằng, toàn diện và bền vững hài hòa giữa kinh tế, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.
- Phát triển cơ cấu kinh tế hợp lý, khai thác hiệu quả tiềm năng đặc trưng cho phát triển từng tiểu vùng.
- Phát triển có trọng điểm, trọng tâm, xây dựng kết cấu hạ tầng khung đồng bộ.
2. Mục tiêu:
+ Cụ thể hóa quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh Đồng Nai và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai gồm:
- Xác định vai trò nhiệm vụ của vùng huyện Xuân Lộc trong quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai.
- Cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện Xuân Lộc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
- Tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống, bảo vệ môi trường.
- Định hướng tổ chức không gian toàn vùng như không gian xây dựng đô thị, nông thôn, không gian công nghiệp tập trung, không gian du lịch, không gian di sản, không gian sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, không gian cảnh quan,…
- Định hướng kết nối hệ thống hạ tầng của vùng huyện Xuân Lộc với hạ tầng vùng tỉnh Đồng Nai.
- Làm cơ sở để các ngành, các cấp chính quyền trong việc lập kế hoạch thực hiện quy hoạch, xác định các dự án, chương trình ưu tiên đầu tư và hoạch định các chính sách phát triển. Đề xuất mô hình quản lý, giám sát thực hiện quy hoạch.
- Làm công cụ quản lý đô thị và các khu dân cư nông thôn, các khu công nghiệp, khu du lịch và hệ thống các công trình chuyên ngành trên địa bàn huyện nhằm phát triển hài hòa và bền vững. Tạo cơ hội thu hút đầu tư.
3. Tính chất:
- Là vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chuyên canh, lâm nghiệp.
- Là vùng phát triển du lịch cảnh quan, trang trại, du lịch lịch sử, tâm linh.
- Là khu vực có vai trò quan trọng trong chiến lược quốc phòng an ninh của Tỉnh và quốc gia.
- Là vùng phát triển đô thị gắn với khu công nghiệp tập trung, phát triển thương mại dịch vụ.
1. Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện Xuân Lộc:
- Đánh giá các đặc điểm tự nhiên, các tiềm năng lợi thế. Đánh giá các khó khăn tồn tại, bất cập, xác định các vấn đề và các giải pháp về phát triển không gian vùng huyện Xuân Lộc trong mối quan hệ với vùng tỉnh Đồng Nai, vùng thành phố Hồ Chí Minh (Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam).
- Xác định bối cảnh phát triển tương lai của quốc tế, quốc gia và các vùng kinh tế trọng điểm quốc gia. Xác định vai trò và vị thế của vùng huyện Xuân Lộc trong vùng tỉnh Đồng Nai. Đánh giá tiềm năng và động lực phát triển vùng.
- Đề xuất tính chất của vùng, các dự báo phát triển, các chỉ tiêu quy hoạch.
- Đề xuất mô hình phát triển vùng trên cơ sở đề xuất cấu trúc không gian toàn vùng, xác định tầm nhìn, các mục tiêu chiến lược hướng tới tầm nhìn.
- Đề xuất phân bố các vùng chức năng: phân vùng kinh tế, phân bố vùng phát triển đô thị, vùng công nghiệp tập trung, vùng nông nghiệp, vùng du lịch và vùng cảnh quan không gian mở.
- Đề xuất định hướng tổ chức không gian toàn vùng.
- Đề xuất định hướng hạ tầng xã hội. Đề xuất định hướng hạ tầng kỹ thuật. Đánh giá tác động môi trường chiến lược.
- Đề xuất các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư.
II. PHẠM VI NGHIÊN CỨU QUY HOẠCH:
1. Phạm vi nghiên cứu:
Phạm vi lập quy hoạch trong phạm vi ranh giới toàn huyện Xuân Lộc (bao gồm thị trấn Gia Ray và 14 xã: Xuân Hòa, Xuân Hưng, Xuân Tâm, Xuân Trường, Xuân Thành, Xuân Hiệp, Xuân Định, Xuân Phú, Xuân Thọ, Xuân Bắc, Suối Cao, Suối Cát, Bảo Hòa và Lang Minh.
- Phía Bắc giáp huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.
- Phía Nam giáp huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
- Phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận.
- Phía Tây giáp Thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 724,8642 km2; Dân số toàn huyện năm 2017 khoảng 242.500 người, mật độ dân số khoảng 335 người/km2.
2. Loại hình lập quy hoạch:
Tên gọi: Quy hoạch xây dựng vùng huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.
Giai đoạn lập quy hoạch: Đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Tỷ lệ lập quy hoạch: 1/25.000.
3. Vị trí địa lý:
- Huyện Xuân Lộc nằm ở phía Đông Nam tỉnh Đồng Nai. Huyện có Quốc lộ 1 và đường sắt chạy qua, trung tâm Huyện đóng tại thị trấn Gia Ray là đầu mối của các tuyến giao thông quan trọng trong khu vực, tạo cho Xuân Lộc có lợi thế về phát triển kinh tế hướng ngoại với các thế mạnh về nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp tỉnh Đồng Nai và mở rộng giao lưu giữa Đồng Nai với các tỉnh Duyên Hải Nam Trung Bộ, Bà Rịa – Vũng Tàu.
- Huyện Xuân Lộc có 15 đơn vị hành chính gồm: Thị trấn Gia Ray và 14 xã: Xuân Hòa, Xuân Hưng, Xuân Tâm, Xuân Trường, Xuân Thành, Xuân Hiệp, Xuân Định, Xuân Phú, Xuân Thọ, Xuân Bắc, Suối Cao, Suối Cát, Bảo Hòa và Lang Minh. Ranh giới được xác định như sau:
- Phía Bắc giáp huyện Định Quán tỉnh Đồng Nai.
- Phía Nam giáp huyện Cẩm Mỹ tỉnh Đồng Nai và huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu;
- Phía Đông giáp huyện Đức Linh, huyện Tánh Linh và huyện Hàm Tân tỉnh Bình Thuận;
- Phía Tây giáp thị xã Long khánh tỉnh Đồng Nai.
4. Khí hậu:
Huyện Xuân Lộc nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới cận xích đạo, với những đặc trưng chính như sau :
4.1. Nhiệt độ:
- Nắng nhiều (trung bình từ 5,7 – 6 giờ/ngày), nhiệt độ cao và cao đều trong năm (trung bình 25,40C), thay đổi theo mùa và theo vùng.
- Tổng tích ôn lớn (trung bình 9.2710C/ năm) và hầu như không có những thiên tai như bão, lụt…, nên rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.
4.2. Mưa:
- Mùa mưa: Bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 11 với lượng mưa lớn chiếm 85% lượng mưa cả năm.
- Hạn chế rõ nét nhất trong chế độ mưa ở đây là thường có những đợt hạn ngắn vào đầu vụ Hè Thu. Lượng mưa nhiều nhất trong năm vào khoảng tháng 7 đến tháng 9, kết hợp với độ ẩm không khí cao. Lượng mưa trung bình hàng năm 1.956 mm, cao nhất 2.139 mm và thấp nhất 1.150 mm. Số ngày mưa trung bình trong năm 98 ngày. Lượng mưa lớn nhất trong ngày 138 mm.
- Mùa khô: Bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa chỉ chiếm 10 - 15% lượng mưa cả năm nên cán cân ẩm độ bị mất cân đối nghiêm trọng, do đó cây trồng phải cần được tưới thì mới cho năng suất, chất lượng sản phẩm cao và ổn định.
4.3. Nắng:
- Thông thường từ tháng 11 năm này đến tháng 5 năm sau, thời gian nắng trung bình một ngày 5,7 - 6 giờ. Số giờ nắng cao nhất trong ngày 13,8 giờ và thấp nhất 0,5 giờ.
- Các tháng mùa khô có tổng giờ nắng khá cao: chiếm 60% giờ nắng trong năm
- Tháng 3 có số giờ nắng cao nhất : khoảng 300 giờ
- Tháng 8 có số giờ nắng thấp nhất : khoảng 140 giờ
4.4. Độ ẩm:
- Độ ẩm khá cao (trung bình 83%)
- Biên độ chênh lệch lớn ( khoảng 8 - 15% )
4.5. Chế độ gió:
- Hướng gió chủ đạo hướng Đông Nam (tháng 2, tháng 5) tốc độ gió trung bình 3 - 3,5 m/s, tốc độ lớn nhất 10,9m/s.
- Hướng Bắc - Đông Bắc (tháng 12, tháng 1) tốc độ gió trung bình 3,4 - 4,7m/s, lớn nhất 6m/s.
4.6. Bão - áp thấp nhiệt đới:
- Thời gian gần đây, lượng mưa trung bình của Tỉnh đã tăng khá nhanh. Số lượng bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy đổ bộ và có ảnh hưởng đến huyện Xuân Lộc có xu hướng gia tăng gây lũ lụt, sạt lở đất ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.
- Nhìn chung, khí hậu thời tiết của Huyện có nhiều thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, ít có thiên tai như: bão lụt, sương muối
5. Đánh giá chung về điều kiện tự nhiên.
5.1. Điểm mạnh:
- Huyện Xuân Lộc nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ giao thương giữa 2 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng kinh tế duyên hải Nam Trung bộ rất thuận lợi cho phát triển nền kinh tế với các thế mạnh về nông nghiệp - dịch vụ - công nghiệp.
- Khí hậu ôn hòa, ít bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết (bão, lụt, lốc xoáy, mưa đá, hạn hán…) cho phép bố trí đa dạng hóa cây trồng và vật nuôi, đặc biệt thích hợp cho việc phát triển các loại cây lâu năm, cây ngắn ngày và cây lương thực, các vấn đề về môi trường đang được quan tâm nên chưa có những phát sinh phức tạp.
- Địa hình đa dạng vừa thuận lợi cho phát triển về du lịch, quốc phòng (địa hình đồi núi), vừa thuận lợi phát triển nông nghiệp với các loại hình cây lâu năm và xây dựng các cơ sở hạ tầng và phát triển các khu công nghiệp, mở rộng giao thông đến các vùng giáp ranh, phát triển thương mại dịch vụ (địa hình đồi -thoải lượn sóng).
- Đất đai rộng lớn, tiềm năng chuyển đổi từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp còn nhiều nên rất thuận lợi cho chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất và thu hút đầu tư.
5.2. Điểm yếu:
- Nằm ở vị trí cửa ngõ nên nảy sinh nhiều phức tạp trong quản lý trật tự xã hội; kiểm soát lây lan dịch bệnh trong chăn nuôi vận chuyển gia súc, gia cầm từ bên ngoài vào Tỉnh; cạnh tranh trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ không cao do bị phân tán bởi nhiều khu công nghiệp ở các huyện khác của Tỉnh như: Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, Long Khánh, TP. Biên Hòa,…
- Khí hậu phân bố theo mùa đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; mùa mưa lượng nước lớn gây tình trạng ngập úng cục bộ, mùa khô lượng nước bốc hơi cao gây khô hạn một số nơi.
- Nguồn tài nguyên du lịch có tiềm năng lớn nhưng chưa được đầu tư khai thác triệt để nên nguồn lợi thu được từ ngành này còn hạn chế.
- Địa hình trên các khu vực có độ dốc trên 30 cần chú trọng biện pháp bảo vệ để hạn chế tình trạng xói mòn đất trong mùa mưa.
- Nguồn nước mặt bị hạn chế trong mùa khô, gây khó khăn cho sản xuất công nông nghiệp và cung cấp cho sinh hoạt. Đất có tầng mỏng chiếm tỷ lệ lớn, độ phì không cao dễ bị rửa trôi.
6. Đánh giá chung hiện trạng kinh tế - xã hội:
6.1. Những kết quả đạt được:
- Kinh tế liên tục phát triển trong thời gian dài với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy thế mạnh của từng ngành, từng khu vực theo xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngành công nghiệp đã có bước phát triển vượt bậc trong 05 năm vừa qua nhờ thu hút được 03 dự án đầu tư có quy mô lớn vào phát triển ở khu công nghiệp nên đã thúc đẩy ngành dịch vụ phát triển với tốc độ cao. Những thành tựu trên là tiền đề cho tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng cao và vững chắc trong kỳ quy hoạch tới.
- Khu vực dịch vụ: phát triển khá toàn diện về dịch vụ, thương mại, giao thông – vận tải, bưu chính – viễn thông... nhưng do đặc thù của khu vực này và những hạn chế trong phạm vi kinh tế huyện nên mặc dù đã đạt tốc độ tăng trưởng toàn khu vực cao, nhưng chưa đồng đều giữa các ngành và tiềm năng phát triển còn khá lớn, đây còn là cơ hội để duy trì tăng trưởng với tốc độ cao trong tương lai.
- Ngành nông nghiệp vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao và chuyển dịch cơ cấu theo chiều hướng tích cực. Trong đó: ngành trồng trọt đã phát triển theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào thâm canh tăng năng suất, hiệu quả sản xuất và chuyển nhiều lao động sang các khu vực phi nông nghiệp, qua đó nâng cao được thu nhập cho nông dân. Ngành chăn nuôi đã tạo được đột phá lớn về phát huy lợi thế vị trí địa lý, nội lực và trình độ của người dân vào phát triển mạnh mẽ chăn nuôi trang trại một cách hiệu quả cao và khá bền vững.
- Với sự quan tâm đến công tác giáo dục, y tế bằng việc ưu tiên từ xây dựng mạng lưới trạm y tế, trường lớp, trung tâm, mua sắm trang thiết bị, nâng cao chất lượng giảng dạy, khám chữa bệnh nên đã phát triển thành công về y tế, giáo dục, tạo nguồn cung với chất lượng ngày càng cao cho công tác đào tạo và nâng cao dân trí.
- Cơ sở hạ tầng đã được đầu tư đúng hướng, các công trình giao thông đối ngoại cơ bản đã được đầu tư. Một số xã đã huy động rất tốt đóng góp của dân vào xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, từ đó đã đuợc công nhận là huyện nông thôn mới đầu tiên trong cả nước, 14/14 xã được công nhận là xã nông thôn mới tạo tiền đề để đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa trong tương lai.
6.2. Những tồn tại và hạn chế:
- Chất lượng phát triển còn có sự chênh lệch đáng kể giữa các khu vực kinh tế và giữa các tiểu vùng, quy mô nền kinh tế còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong phát triển chung của toàn Tỉnh và so với tiềm năng, lợi thế của Huyện.
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Huyện, phát triển công nghiệp chưa đáp ứng kỳ vọng, một số chỉ tiêu về phát triển văn hóa – xã hội – môi trường chưa đạt kế hoạch đề ra. Tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, vi phạm an toàn giao thông còn xảy ra nhiều, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị có nơi chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ mới.
- Đầu tư cho thủy lợi còn hạn chế, đầu tư cho thiết chế văn hóa thể thao, mạng lưới thông tin truyền thông còn chưa đáp ứng yêu cầu về thông tin nhanh, chuyển giao khoa học công nghệ, hưởng thụ các giá trị văn hóa thể thao và giải trí. Xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn chậm, các dự án du lịch chưa thu hút được nhà đầu tư.
- Một số dự án đầu tư trọng điểm còn khó khăn về vốn, triển khai chậm, xúc tiến thu hút đầu tư của địa phương còn nhiều lúng túng, trợ giúp của Tỉnh về khâu này cũng chưa mạnh.
- Công nghiệp ở khu vực dân doanh phát triển với quy mô nhỏ, phân tán, sử dụng công nghệ thấp nên chất lượng sản phẩm chưa cao. Triển khai các hoạt động về xử lý chất thải, nước thải và kiểm soát ô nhiễm môi trường còn chậm.
6.3. Điểm mạnh:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Đã đưa vào hoạt động khu công nghiệp Xuân Lộc. Công nghiệp phát triển cả về quy mô và chất lượng.
- Ngành nông nghiệp vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao và chuyển dịch cơ cấu theo chiều hướng tích cực.
- Nhiều cơ chế chính sách phát triển được bổ sung và sửa đổi kịp thời, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Cơ cấu dân số lao động trẻ, nguồn nhân lực dồi dào.
6.4. Điểm yếu:
- Tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng của Huyện, phát triển thiếu bền vững.
- Ngành công nghiệp, dịch vụ phát triển chậm. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa hấp dẫn thu hút du khách với số lượng lớn.
- Nông nghiệp sản xuất còn phân tán, chưa theo hướng sản xuất hàng hóa, chưa hình thành các vùng nông nghiệp chuyên canh, vùng nông nghiệp công nghệ cao.
- Việc huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển còn hạn chế so với nhu cầu và tiềm năng của Huyện.
- Việc tăng dân số cơ học và phân bố dân cư tự phát đã gây khó khăn cho địa phương về bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, nhà ở, thiếu hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật.
- Công nghiệp chế biến nông sản còn hạn chế.
6.5. Các cơ hội cho phát triển:
- Kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, các nền kinh tế lớn đã tăng trưởng trở lại sẽ tạo nên làn sóng đầu tư mới. Trong điều kiện Việt Nam đã gia nhập WTO nên cơ hội thu hút đầu tư từ bên ngoài sẽ rất thuận lợi. Trong đó huyện Xuân Lộc nằm cửa ngõ giữa 2 vùng kinh tế lớn của cả nước là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng kinh tế duyên hải Nam Trung bộ, có sức hút đầu tư lớn nhất cả nước.
- Những thuận lợi trong chính sách đầu tư của tỉnh Đồng Nai: Phát triển đô thị, phát triển công nghiệp, phát triển du lịch,..tạo động lực phát triển cho huyện.