1. Phạm vi lập quy hoạch: Toàn bộ địa giới hành chính tỉnh Bạc Liêu, tổng diện tích tự nhiên 2.570,94 km2, bao gồm thành phố Bạc Liêu và 06 huyện (Hồng Dân, Phước Long, Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Giá Rai và Đông Hải). Quy mô dân số là 873.293 người.
2. Các giai đoạn lập quy hoạch: Giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
3. Quy mô dân số, quy mô đất đai:
3.1. Quy mô dân số
- Dự kiến đến năm 2020: Dân số toàn vùng khoảng 950.000 – 965.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 450.000 – 460.000 người, với tỉ lệ đô thị hóa khoảng 47-50%. Dân số nông thôn là khoảng 505.000 người.
- Dự kiến đến năm 2030: Dân số toàn vùng khoảng 1.100.000 – 1.120.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 690.000 – 700.000 người, với tỉ lệ đô thị hóa khoảng 55 - 60%. Dân số nông thôn là khoảng 420.000 người.
3.2. Quy mô đất đai
- Tổng diện tích tự nhiên toàn vùng là 2.594 km2.
- Dự kiến quy mô đất xây dựng đô thị qua các giai đoạn:
+ Đến năm 2020: khoảng 5.000 – 6.000 ha.
+ Đến năm 2030: khoảng 12.000 – 13.000 ha.
- Dự kiến quy mô đất xây dựng điểm dân cư nông thôn qua các giai đoạn:
+ Đến năm 2020: khoảng 4.000.
+ Đến năm 2030: khoảng 5.500.
- Dự kiến quy mô đất xây dựng công nghiệp tập trung:
+ Đến năm 2020: khoảng 700 ha.
+ Đến năm 2030: khoảng 1.650 ha.
4. Quan điểm quy hoạch:
- Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bạc Liêu đảm bảo phù hợp và liên kết chặt chẽ với quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các vùng kinh tế trọng điểm; định hướng phát triển theo mô hình kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững.
- Định hướng quy hoạch các không gian chức năng vùng tỉnh phải gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, y tế , giáo dục; gắn kết quy hoạch phát triển đô thị với mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, văn minh; nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa khu vực đô thị và nông thôn.
- Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh tạo cơ sở khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh quốc phòng.
5. Mục tiêu, tầm nhìn quy hoạch:
a) Mục tiêu:
Định hướng chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc tổ chức không gian kinh tế, đô thị - nông thôn, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kiến trúc cảnh quan của tỉnh một cách khoa học; kết nối và khai thác hiệu quả lợi thế các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của vùng, khu vực và quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Quy hoạch không gian xây dựng đô thị, nông thôn; không gian công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; không gian sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp; không gian du lịch, cảnh quan và không gian mở hài hòa gắn kết nhằm đảm bảo phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống, bảo vệ môi trường, tạo tiền đề xây dựng tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 trở thành tỉnh công nghiệp, đến năm 2030 sẽ trở thành một trung tâm đô thị công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp hiện đại, trung tâm giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao và một số lĩnh vực cấp vùng, đóng vai trò động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của tiểu vùng phía Nam, trục hành lang kinh tế biển Đông và biển Tây của vùng ĐBSCL.
b) Tầm nhìn:
- Đến năm 2020, tỉnh Bạc Liêu cơ bản là tỉnh công nghiệp, đến năm 2030 sẽ trở thành một Trung tâm đô thị - công nghiệp, thương mại dịch vụ và nông nghiệp hiện đại, phát triển cân bằng và bền vững.
- Tỉnh Bạc Liêu sẽ đóng vai trò là một trung tâm kinh tế của tiểu vùng phía Nam vùng đồng bằng sông Cửu Long, là đầu mối giao thông kết nối các trục hành lang kinh tế biển Đông và biển Tây của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
- Tỉnh Bạc Liêu sẽ là vùng phát triển nông nghiệp lúa chuyên canh, nông nghiệp đô thị và đánh bắt nuôi trồng thủy sản tập trung, vùng bảo vệ rừng ngập mặn và sự đa dạng sinh học; vùng phát triển du lịch sinh thái biển, du lịch văn hóa lịch sử đặc trưng của vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm đô thị sinh thái và hiện đại.
- Vùng phát triển có bản sắc văn hóa truyền thống, có cảnh quan đặc trưng, là vùng có chất lượng cuộc sống tốt, hài hòa và thân thiện với môi trường.
6. Phân bố các vùng chức năng:
6.1. Phân vùng phát triển kinh tế: Vùng tỉnh Bạc Liêu được phân thành 3 vùng phát triển kinh tế:
- Vùng I: Vùng trung tâm (phía Đông): Là vùng phát triển đô thị - công nghiệp - dịch vụ động lực của vùng tỉnh Bạc Liêu bao gồm đô thị trung tâm vùng là thành phố Bạc Liêu, hai huyện Hòa Bình và Vĩnh Lợi, là vùng phát triển đô thị, trung tâm công nghiệp; trung tâm du lịch, giải trí chất lượng cao cấp vùng và Quốc gia; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa, rau sạch, bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học; nuôi trồng, đánh bắt thủy sản lớn và tập trung.
- Vùng II: Vùng phía Bắc: Bao gồm hai huyện Hồng Dân và Phước Long, là vùng phát triển nông nghiệp chuyên canh, nuôi trồng thủy sản sinh thái, công nghiệp chế biến của tỉnh Bạc Liêu, là vùng phát triển đô thị tập trung, công nghiệp tập trung quy mô vừa, nông nghiệp chuyên canh và dịch vụ phân phối sản phẩm nông nghiệp, du lịch.
- Vùng III: Vùng kinh tế phía Tây: Bao gồm các huyện Giá Rai và Đông Hải; đây là vùng tiếp giáp với tỉnh Cà Mau và biển Đông, kết nối với vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long và trục hành lang kinh tế biển. Đô thị trung tâm của vùng là đô thị Giá Rai - Hộ Phòng. Bên cạnh đó, đô thị Gành Hào, đô thị Điền Hải cũng là động lực phát triển của vùng theo tiến trình phát triển chung của khu kinh tế Gành Hào; là vùng phát triển đô thị, vùng nuôi trồng thủy sản tự nhiên và công nghiệp; phát triển thương mại dịch vụ; phát triển du lịch sinh thái cảnh quan và khu kinh tế biển Gành Hào, cảng tổng hợp.
6.2. Phân bố hệ thống đô thị
a) Định hướng phát triển hệ thống đô thị trong vùng
- Đến năm 2020: Dự kiến có 13 đô thị (bao gồm 02 đô thị ghép), gồm: 01 đô thị loại II (thành phố Bạc Liêu), 01 đô thị loại III (thị xã Giá Rai), 04 đô thị loại IV (đô thị Điền Hải – Gành Hào, đô thị Phước Long – Ninh Quới A, thị trấn Hòa Bình, thị trấn Châu Hưng) và 07 đô thị loại V (thị trấn Ngan Dừa, các đô thị: Cái Cùng, Vĩnh Mỹ B, Vĩnh Hưng, Chủ Chí, Phó Sinh và Ba Đình).
- Đến năm 2030: Dự kiến có 14 đô thị gồm: 01 đô thị loại I (thành phố Bạc Liêu), 02 đô thị loại III (thị xã Giá Rai, thị xã Đông Hải), 04 đô thị loại IV (thị xã Phước Long và các thị trấn: Hòa Bình, Châu Hưng, Ngan Dừa) và 07 đô thị loại V (các đô thị: Cái Cùng, Vĩnh Mỹ B, Vĩnh Hưng, Chủ Chí, Phó Sinh, Ba Đình, Hưng Thành).
b) Hệ thống đô thị trung tâm vùng và trung tâm các tiểu vùng:
- Thành phố Bạc Liêu: Là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Bạc Liêu và cấp vùng; là đầu mối giao thông của các trục hành lang kinh tế đô thị Quốc gia và Quốc tế; trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản của vùng; trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, thể thao và giải trí của tỉnh Bạc Liêu và vùng đồng bằng sông Cửu Long; có vị trí an ninh quốc phòng chiến lược trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.
- Đô thị Giá Rai - Hộ Phòng là đô thị loại IV, hạt nhân của thị xã Giá Rai vào năm 2015; là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo lớn thứ thứ hai của tỉnh; trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp, công nghiệp chế biến thủy sản tập trung; trung tâm nông nghiệp công nghệ cao và nuôi trồng thủy sản sinh thái của vùng phía Tây tỉnh Bạc Liêu; là cửa ngõ kết nối thành phố Cà Mau và kết nối hạ tầng giao thông quan trọng của quốc gia, cả đường bộ, đường hàng không và đường biển; là trung tâm tiểu vùng III của tỉnh Bạc Liêu.
- Đô thị Phước Long (huyện Phước Long) - Ninh Quới A (huyện Hồng Dân): Là đô thị loại IV, trung tâm kinh tế, văn hoá, của tiểu vùng II ; là trung tâm công nghiệp phụ trợ, chế biến nông sản, thủy sản; là trung tâm thương mại và du lịch làng nghề phía Bắc của tỉnh.
- Ngoài ra, tỉnh còn có các đô thị chức năng tổng hợp như: Đô thị Điền Hải (huyện Đông Hải), thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình), thị trấn Châu Hưng (huyện Vĩnh Lợi), thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân) và các đô thị chuyên ngành kinh tế như: Gành Hào (Đông Hải), Vĩnh Hưng, Hưng Thành (Vĩnh Lợi), Cái Cùng, Vĩnh Mỹ B, (Hòa Bình), Phó Sinh, Chủ Chí (Phước Long) và Ba Đình (Hồng Dân).
c) Tầm nhìn đến năm 2050: Tiếp tục đầu tư xây dựng các đô thị trung tâm vùng và tiểu vùng (thành phố Bạc Liêu, thị xã Giá Rai, thị xã Phước Long), nâng cao chất lượng đô thị hướng tới tăng trưởng kinh tế xanh, đáp ứng 100% các tiêu chi phân loại đô thị phù hợp định hướng quy hoạch tại các tiểu vùng. Phát triển thêm các đô thị loại IV, loại V tại các phân vùng phát triển kinh tế.
6.3. Phân bố các vùng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp
- Vùng công nghiệp trung tâm vùng (thành phố Bạc Liêu): Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ phát triển công nghiệp khác trong vùng.
- Vùng công nghiệp tập trung phía Bắc (huyện Phước Long, Hồng Dân): Đây là vùng phát triển công nghiệp phụ trợ cho sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề.
- Vùng công nghiệp tập trung phía Tây (huyện Giá Rai): Phát huy thế mạnh hiện có về công nghiệp chế biến thủy sản tại đô thị Giá Rai - Hộ Phòng, liên kết chặt chẽ với khu công nghiệp Láng Trâm, phát triển các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến thực phẩm; hình thành khu phi thuế quan và cảng biển nước sâu tổng hợp Gành Hào, là khu vực tạo động lực phát triển cho khu kinh tế Gành Hào và vùng kinh tế phía Tây của tỉnh.
- Tầm nhìn đến năm 2050: Tập trung phát triển khu kinh tế Gành Hào trở thành động lực phát triển kinh tế của tỉnh theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh. Phát triển hoàn chỉnh và khai thác lợi thế các khu công nghiệp Láng Trâm, khu tổ hợp công nghiệp – đô thị Ninh Quới.
6.4. Phân bố các vùng du lịch:
- Trung tâm vùng du lịch (vùng 1): Tập trung các khu vui chơi giải trí, trung tâm nghỉ dưỡng cấp vùng như vườn chim Bạc Liêu, vườn nhãn cổ Bạc Liêu, rừng ngập mặn, biển, khu du lịch Nhà Mát, khu du lịch Cá Ông, du lịch sinh thái ven biển, khu nhà Công tử Bạc Liêu, chùa Quan Âm Phật đài, khu lưu niệm nghệ nhân Cao Văn Lầu và đờn ca tài tử Nam Bộ, đền thờ Bác Hồ, tháp cổ Vĩnh Hưng, khu du lịch Tắc Sậy.
- Cụm du lịch phía Tây (vùng 2): Thuộc vùng đô thị và khu kinh tế Gành Hào, bao gồm: Thị xã Đông Hải, thị xã Giá Rai; tổ chức dịch vụ tham quan khu kinh tế phi thuế quan, du lịch văn hóa lịch sử, lễ hội Nghinh Ông và khu di tích đồng Nọc Nạng, khu du lịch Tắc Sậy.
- Cụm du lịch phía Bắc (vùng 3): Thuộc vùng phát triển kinh tế và đô thị phía Bắc của tỉnh, bao gồm thị xã Phước Long – Ninh Quới A, đô thị Phó Sinh, đô thị Chủ Chí, thị trấn Ngan Dừa. Tổ chức và quy hoạch các tuyến du lịch làng nghề đan chiếu, các vườn chim tại huyện Phước Long, du lịch sinh thái nhà vườn (homestay), du lịch cảnh quan sông nước, khu căn cứ Tỉnh ủy ở xã Ninh Thạnh Lợi, du lịch lễ hội Ok Om Bok.
- Tầm nhìn đến năm 2050: Phát triển các tuyến liên kết du lịch tới các vùng thành phố Hồ Chí Minh, Mũi Cà Mau, du lịch Quốc tế, nâng cao chất lượng các tuyến du lịch.
6.5. Phân bố hệ thống dịch vụ hạ tầng xã hội:
a) Hệ thống giáo dục, đào tạo:
Hình thành hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề tại thành phố Bạc Liêu, thị xã Giá Rai và một số đô thị khác trong tỉnh; nâng cấp cơ sở vật chất Trung tâm giáo dục thường xuyên tại thành phố Bạc Liêu và các huyện; hình thành Trung tâm ngoại ngữ chất lượng cao tại thành phố Bạc Liêu; xây dựng hệ thống trường chất lượng cao cho cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; củng cố trường phổ thông dân tộc nội trú và các trung tâm học tập cộng đồng phường, xã.
b) Hệ thống văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao:
Nâng cấp, cải tạo, xây dựng hệ thống văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao cấp vùng tại thành phố Bạc Liêu như: Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu, thư viện tỉnh Bạc Liêu, trung tâm văn hóa tỉnh Bạc Liêu, nhà thiếu nhi Bạc Liêu, đài phát thanh truyền hình Bạc Liêu, trường trung học Văn hóa Nghệ thuật, sân vận động, bể bơi, sân tennis, nhà thi đấu đa năng, sân tập golf, trung tâm Triển lãm văn học nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu; đầu tư nâng cấp các các công trình văn hóa, thể thao hiện có tại các huyện; trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử được xếp hạng cấp Quốc gia và cấp tỉnh; khai thác tôn tạo, bảo tồn các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể.
c) Hệ thống y tế:
Đầu tư xây dựng bệnh viện đa khoa Bạc Liêu giai đoạn II, trung tâm chuẩn đoán y khoa, các bệnh viện chuyên khoa: Sản – Nhi, Lao, Tâm thần, Y học cổ truyền. Ngoài ra, còn xã hội hóa các cơ sở y tế như: Bệnh viện đa khoa Thanh Vũ, bệnh viện đa khoa Sài Gòn - Bạc Liêu, bệnh viện Đông Tây y.
- Đầu tư xây dựng, nâng cấp và cải tạo các bệnh viện trung tâm các vùng và tiểu vùng tại các đô thị Giá Rai, Phước Long, Gành Hào. Nâng cấp cơ sở vật chất trang thiết bị các bệnh viện tuyến huyện.
- Hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới y tế tuyến cơ sở: bao gồm trạm y tế xã, phường, thị trấn và phòng khám đa khoa khu vực quy mô 10-50 giường bệnh.
d) Hệ thống thương mại, dịch vụ:
Hình thành các trung tâm thương mại - dịch vụ chất lượng cao cấp vùng và tiểu vùng tại các trung tâm của các đô thị và khu phi thuế quan - khu kinh tế Gành Hào; củng cố mạng lưới trung tâm thương mại, chợ tại trung tâm các đô thị của các huyện. Hoàn chỉnh hệ thống chợ nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa tạo điều kiện phát triển giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa của nông dân theo các quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
e) Tầm nhìn đến năm 2050: Nâng cao chất lượng hệ thống các công trình hạ tầng xã hội cấp vùng từ nền tảng năm 2030. Nâng cao chất lượng các công trình đào tạo chuyên ngành; nâng cao chất lượng các công trình thể dục thể thao hướng tới xây dựng các quần thể cấp vùng; xây dựng mới các bệnh viện cấp vùng, đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh theo chuẩn Quốc gia; tập trung đầu tư khu thương mại miễn thuế tại khu kinh tế Gành Hào.
6.6. Tổ chức không gian vùng:
a) Tổ chức phát triển không gian vùng đô thị:
- Không gian đô thị vùng trung tâm bao gồm: Thành phố Bạc Liêu và các đô thị vệ tinh như thị trấn Châu Hưng (huyện Vĩnh Lợi), thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình) là vùng đô thị động lực của tỉnh. Thành phố Bạc Liêu vừa là đô thị hạt nhân toàn vùng tỉnh vừa là đô thị trung tâm của của vùng trung tâm. Ngoài ra, phát triển thêm các đô thị như: Vĩnh Hưng, Hưng Thành, Vĩnh Mỹ B, Cái Cùng.
- Không gian vùng đô thị phía Bắc bao gồm: Không gian vùng đô thị thị xã Phước Long - thị trấn Ngan Dừa là vùng đô thị động lực phía Bắc. Trong đó, thị xã Phước Long (Dự kiến đến năm 2020 thị trấn Phước Long kết nối với đô thị Ninh Quới A hình thành thị xã Phước Long) là đô thị trung tâm của vùng phía Bắc. Đô thị Chủ Chí là trung tâm tiểu vùng phía Tây và đô thị Ba Đình là trung tâm tiểu vùng phía Bắc của vùng.
- Không gian vùng đô thị phía Tây bao gồm: Không gian vùng đô thị thị xã Giá Rai - thị xã Đông Hải (trung tâm thị xã Đông Hải là đô thị Điền Hải và Gành Hào), gắn với khu kinh tế Gành Hào, khu công nghiệp Láng Trâm. Thị xã Giá Rai là đô thị trung tâm của vùng phía Tây. Đô thị Điền Hải - Gành Hào và khu kinh tế là một đô thị động lực.
b) Tổ chức không gian vùng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp:
- Các công nghiệp tập trung quy mô lớn: Vùng công nghiệp thành phố Bạc Liêu với sự hình thành vùng công nghiệp công nghệ cao tập trung, công nghiệp năng lượng sạch; vùng công nghiệp Phước Long – Ninh Quới A là khu công nghiệp tập trung phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, chế biến; vùng công nghiệp Giá Rai là vùng công nghiệp chế biến và sản xuất hàng tiêu dùng; vùng công nghiệp Gành Hào sẽ hình thành khu công nghiệp phi thuế quan Gành Hào.
- Các vùng công nghiệp với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tập trung quy mô vừa và nhỏ gắn với các đô thị.
c) Tổ chức không gian vùng cảnh quan, khu bảo tồn, khu du lịch sinh thái:
- Vùng du lịch cảnh quan ven biển và các sân chim; vùng du lịch thành phố Bạc Liêu là trung tâm mua sắm, giải trí cao cấp, du lịch cảnh quan nghỉ dưỡng ven biển và du lịch văn hóa lịch sử; cụm du lịch Phước Long; cụm du lịch Giá Rai.
- Khu bảo tồn thiên nhiên vườn chim Bạc Liêu, bảo tồn đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên của vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có rừng ngập mặn, vườn nhãn cổ.
d) Tổ chức không gian vùng nông, lâm, thủy sản, diêm nghiệp:
- Hình thành các vùng chuyên canh trồng lúa cao sản xuất khẩu – lúa đặc sản tại các huyện Vĩnh Lợi, Hồng Dân, một phần thị xã Giá Rai và một phần huyện Phước Long; hình thành trang trại vùng chăn nuôi tập trung đan xen với các khu vực sản xuất nông nghiệp chuyên canh tại các huyện Hồng Dân, Phước Long.
- Quy hoạch các khu vườn ươm cây giống toàn tỉnh tại huyện Đông Hải, Hòa Bình để cung cấp vật liệu giống cho trồng rừng tập trung và cây phân tán trên địa bàn tỉnh; quy hoạch phát triển các vùng nuôi tôm công nghiệp, tôm sinh thái tại khu vực huyện Đông Hải, huyện Hòa Bình, thành phố Bạc Liêu và quy hoạch vùng chuyên sản xuất muối chất lượng cao tại huyện Đông Hải.
7. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật
7.1. Giao thông
a) Giao thông đường bộ:
* Giao thông đối ngoại:
- Đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau: Là tuyến kết nối giữa TP.Cần Thơ với tỉnh Hậu Giang, tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau. Tuyến chạy qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu trên huyện Hồng Dân, huyện Phước Long và huyện Giá Rai.
- Đường Hồ Chí Minh: Tuyến đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 từ Bình Phước đến Cà Mau hiện nay đang được triển khai xây dựng. Có gần 5,6 km đi qua địa phận tỉnh Bạc Liêu thuộc địa bàn xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân. Dự kiến đạt cấp III đồng bằng.
- Quốc lộ 1A: Là tuyến huyết mạch nối thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long. Đoạn qua tỉnh Bạc Liêu dài 63km được nâng cấp mở rộng đạt tiêu chuẩn là đường cấp II đồng bằng.
- Quốc lộ Nam Sông Hậu: Là tuyến kết nối giữa thành phố Bạc Liêu đi tỉnh Sóc Trăng, Tỉnh Hậu Giang và đi thành phố Cần Thơ. Tuyến hiện tại đã đưa vào sử dụng đạt cấp III đồng bằng.
- Tuyến Quốc lộ dự kiến: Ba tuyến đường tỉnh trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu dự kiến chuyển thành quốc lộ trong tương lai gồm các tuyến đường ngang ĐT.978, ĐT.980, ĐT.981, dự kiến xây dựng đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng.
- Đường cao tốc Bạc Liêu - Rạch Giá - Hà Tiên: Tuyến nối giữa thành phố Bạc Liêu – thành phố Rạch Giá, định hướng đi thị xã Hà Tiên rồi qua cửa khẩu Quốc tế Xà Xía Prék Chak đi Campuchia. Đoạn qua địa bàn tỉnh từ phường Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu) đi song song phía Đông Bắc kênh Xáng Ngan Dừa – Cầu Sập và qua các huyện Vĩnh Lợi, huyện Hồng Dân.
- Tuyến Quốc lộ dự kiến (Gành Hào - Giá Rai - Phó Sinh - Cạnh Đền): Tuyến từ đô thị Gành Hào qua thị xã Giá Rai, đô thị Chủ Chí và đi Quốc lộ 63 chạy dọc theo kênh Cạnh Đền - Phó Sinh, dự kiến đường đạt cấp III đồng bằng.
* Giao thông trong tỉnh:
- Đường tỉnh (Tỉnh lộ):
+ Đường tỉnh ĐT.976, ĐT.981, ĐT.977 và đoạn ĐT.982 (từ ĐT.981 đi Gành Hào): Nâng cấp, mở rộng đạt tiêu chuẩn là đường cấp IV đồng bằng.
+ Mở mới tuyến đường tỉnh chạy dọc kênh Cà Mau - Bạc Liêu phía Nam kênh và mở mới tuyến đường tỉnh từ ĐT.978B giao với ĐT.977, chạy hướng tâm vào TP. Bạc Liêu dọc theo kênh Giồng Me. Tuyến được mở rộng đạt tiêu chuẩn là đường cấp IV đồng bằng.
+ Đường tỉnh ĐT.982, ĐT.977B, ĐT.979B, ĐT.982B nâng cấp mở rộng đạt tiêu chuẩn là đường cấp V đồng bằng.
- Đường huyện (Huyện lộ):
+ Nâng cấp tuyến đường huyện từ thị trấn Hòa Bình đi thị xã Phước Long (ĐH.17) và tuyến đường huyện ĐH.36 (tuyến đê biển Đông) đạt tiêu chuẩn là đường cấp V đồng bằng.
+ Nâng cấp, mở rộng các tuyến đường huyện, mở mới thêm một số tuyến đường huyện đạt tiêu chuẩn là đường cấp V, VI đồng bằng.
* Giao thông nông thôn:
- Kế thừa và phát triển mạng lưới đường hiện có phù hợp với nhu cầu giao thông vận tải trước mắt và tương lai, kết nối liên hoàn với hệ thống đường Quốc gia, đường tỉnh và đường huyện. Kết hợp với mạng lưới quy hoạch thủy lợi, quy hoạch dân cư và các công trình xây dựng hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.
- Đảm bảo liên hệ thuận tiện với hệ thống đường huyện, đường tỉnh tạo thành mạng lưới đường hoàn chỉnh.
- Mở rộng, nâng cấp các tuyến đường theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đường giao thông nông thôn. Đầu tư các trục đường liên xã, liên thôn, cứng hóa mặt đường và đồng bộ hóa cầu cống đạt tiêu chuẩn kỹ thuật.
* Giao thông đô thị:
- Phát triển mạng lưới giao thông đô thị hiện đại, nhựa hóa 100%, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, liên hệ thuận lợi trong và ngoài đô thị.
- Quản lý xây dựng hệ thống giao thông đô thị theo các đồ án quy hoạch chung đô thị đã được phê duyệt.
- Nâng cấp và xây dựng mới các tuyến đường hướng tâm và đường tránh thành phố Bạc Liêu. Xây dựng thành phố thành trung tâm đầu mối giao thông của tỉnh.
- Từng bước hoàn chỉnh, đồng bộ hóa các tuyến trục giao thông, nút giao thông đô thị, hiện đại hóa mạng lưới đường nội thị gắn với chỉnh trang đô thị, kết hợp các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm.
- Tỷ lệ đất giao thông đô thị phụ thuộc quy mô cấp hạng của các đô thị nhưng phải đạt được 18-25% quỹ đất xây dựng đô thị.
* Công trình phục vụ giao thông:
- Bến xe đối ngoại: Nâng cấp các bến xe liên tỉnh tại thành phố Bạc Liêu, thị xã Giá Rai, thị xã Phước Long và thị xã Đông Hải, quy mô 3 - 7 ha.
- Bãi đỗ xe: Tại thành phố Bạc Liêu xây dựng bãi đỗ xe ô tô công cộng tại các trung tâm khu đô thị, bãi đậu xe tại các khu du lịch, trung tâm thương mại.
b) Giao thông đường thủy:
- Nạo vét, bảo dưỡng thường xuyên luồng tàu chạy, duy trì mực nước tĩnh không thông thuyền.
- Nâng cấp và xây mới các đường dẫn từ các điểm tập trung đến các trục đường bộ và đường thủy chính.
- Trang bị phao tiêu tín hiệu, cải thiện chất lượng dịch vụ, hệ thống Logistics đem lại hiệu quả cao trong vận tải thủy.
* Hệ thống cảng:
- Cảng biển Gành Hào: Diện tích 3,5ha, có công suất 1,5 triệu tấn/năm, tiếp nhận được tàu có tải trọng 5.000 – 10.000 tấn.
- Xây dựng mới cảng biển tổng hợp tại khu kinh tế Gành Hào. Cảng được xây dựng là cảng hỗn hợp, kết nối giữa hệ thống cảng biển trong khu vực: Cảng Gành Hào, cảng Hòn Khoai (Cà Mau), cảng Mỹ Thạnh, cảng Sài Gòn, cụm cảng Quốc tế Cái Mép (Vũng Tàu), cảng Vân Phong (Khánh Hòa) và kết hợp với mạng lưới đường sông, kênh, rạch trong tỉnh giúp thúc đẩy phát triển về công nghiệp và du lịch của tỉnh.
- Các bến đường thủy nội địa trên các sông, kênh chính: xây dựng và kiên cố hóa, là điểm trung chuyển giữa vận tải đường bộ và đường thủy.
7.2. Chuẩn bị kỹ thuật
- San nền cục bộ đối với các khu vực xây dựng hiện hữu, san lấp tập trung tại khu vực xây dựng mới đảm bảo cốt xây dựng lớn hơn cốt khống chế. Xây dựng các bờ kè, van ngăn triều để chống xâm nhập triều vào khu vực xây dựng.
- Đối với các điểm dân cư nông thôn tại các khu vực có địa hình thấp thường bị ngập do triều cường, chủ yếu là san đắp cục bộ khu vực xây dựng. Đối với khu vực có địa hình cao không bị ngập lụt chỉ san đắp tạo hướng dốc thoát nước, cân bằng đào đắp tại chỗ.
- Tăng cường nạo vét hồ ao, sông, kênh, rạch để tăng khả năng tiêu thoát nước.
7.3. Cấp nước
- Cải thiện tất cả các khâu từ dây chuyền công nghệ, sản xuất kinh doanh, dịch vụ và nhất là khâu quản lý nhằm nâng cao số lượng và chất lượng nước phục vụ các nhu cầu sử dụng.
- Khai thác hợp lý các công trình cấp nước hiện có, mở rộng, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới các công trình phù hợp với sự phát triển của các đô thị trong giai đoạn đầu và có định hướng cho giai đoạn sau.
- Quản lý khai thác nước ngầm, đánh giá trữ lượng và vấn đề khai thác các giếng khoan mới, quy trình đào giếng, kiểm soát theo dõi giếng đang khai thác.
7.4. Thoát nước thải, quản lý chất thải rắn - nghĩa trang:
- Thoát nước thải: Đối với thành phố lớn và các đô thị đang sử dụng hệ thống cống chung một nửa (có cống bao tách nước thải và trạm xử lý nước thải), xây dựng các hố ga tách dòng để thu gom nước thải vể khu xử lý nước thải. Xây dựng hệ thống nước thải riêng (nước mưa riêng) có trạm xử lý cho các khu vực xây dựng mới. Xây dựng hệ thống nước thải riêng (nước mưa riêng), xây dựng trạm xử lý nước thải cho các khu Công nghiệp tập trung trong từng dự án.
- Chất thải rắn: Tổ chức thu gom chất thải rắn hợp lý tại các đô thị, phân loại tại nguồn rồi đưa đến các khu xử lý tập trung. Các cụm đô thị có cự ly gần nhau có thể kết hợp để xây dựng các khu xử lý chất thải rắn chung có công nghệ xử lý chủ yếu là chôn lấp hợp vệ sinh. Các thị tứ bố trí các khu chôn lấp hợp vệ sinh. Chất thải rắn công nghiệp được phân loại tại nguồn và đưa về xử lý tại các khu xử lý rác của tỉnh, riêng đối với chất thải rắn độc hại cần tập trung về một khu để xử lý riêng. Chất thải rắn tại các bệnh viện sẽ được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý riêng bằng các lò đốt đạt tiêu chuẩn môi trường theo quy định của Bộ Y tế. Các lò đốt chất thải rắn y tế giai đoạn đầu có thể đặt tại các bệnh viện lớn như hiện nay, nhưng giai đoạn dài hạn nhất thiết phải được xây dựng ở khu xử lý chất thải rắn của tỉnh.
- Nghĩa trang: Do đặc điểm điều kiện địa hình, các đô thị không tập trung, khoảng cách giữa các đô thị cách xa nhau, nên dự kiến sẽ xây dựng các nghĩa trang cấp vùng tỉnh, vùng huyện, liên huyện, liên đô thị. Đối với nghĩa trang cấp vùng tỉnh dự kiến sẽ xây dựng ở khu vực gần các đô thị hạt nhân của tỉnh (thành phố, thị xã). Các đô thị cấp vùng huyện sẽ xây dựng các nghĩa trang riêng hoặc các đô thị gần nhau có điều kiện liên kết được sẽ xây dựng nghĩa trang chung nhưng các nghĩa trang phải được bố trí xa khu dân cư, xa nguồn nước, đảm bảo khoảng cách ly (2000m) đến các đô thị theo quy chuẩn xây dựng đã ban hành. Tại các thị tứ, cụm dân cư tập trung, khu vực nông thôn xây dựng các nghĩa trang riêng phù hợp với quy mô dân số và không làm ảnh hưởng đến môi trường.
7.5. Cấp điện
- Nhu cầu sử dụng điện: Tổng điện năng yêu cầu toàn tỉnh đến năm 2020 là 1.058,57 triệu Kwh/năm, đến năm 2030 là 1.920,50 triệu Kwh/năm.
- Nguồn điện: hệ thống điện Quốc gia, các nhà máy nhiệt điện, thủy điện thuộc khu vực phía Nam, nhà máy điện gió Bạc Liêu.
- Tổng công suất điện: năm 2020 là 280,17 MW, năm 2030 là 498,82 MW.
- Lưới điện:
+ Trạm biến thế: ngoài các trạm của hệ thống hiện hữu nâng cấp cải tạo, đề xuất xây dựng thêm các trạm 110kV cho các khu công nghiệp Gành Hào, Trà Kha, Vĩnh Trạch.
+ Tuyến cao thế: Cùng với sự phát triển của các nhà máy điện, trạm biến thế, sẽ xây dựng các tuyến cao thế liên kết 220, 110kV.
7.6. Định hướng bảo vệ môi trường
- Xem xét hạn chế phát triển đô thị thành phố Bạc Liêu ngoài khu vực sân chim Bạc Liêu để bảo tồn sinh thái đa dạng ở khu vực này, không mở đường vành đai đi qua sân chim. Các dự án đều phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chi tiết để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trong đó đặc biệt chú ý đến các dự án lớn như Khu công nghiệp và khu đô thị, dự án du lịch sinh thái, các dự án cơ sở hạ tầng chính (giao thông; khu xử lý rác, cấp thoát nước).
Về các giải pháp kỹ thuật để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu: Xây dựng kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu, dành nhiều diện tích cho cây xanh và mặt nước giúp tăng khả năng thoát nước của các đô thị, và tăng cường khả năng điều hòa vi khí hậu. Bảo vệ và tiếp tục chương trình trồng rừng phòng hộ.
Các giải pháp kỹ thuật ưu tiên để bảo vệ môi trường: Đối với các khu quy hoạch xử lý chất thải, ưu tiên các dự án đầu tư có công nghệ xử lý tiên tiến, có thể phân loại, tái chế rác, composting rác hữu cơ, lò đốt chất thải nguy hại, chỉ chôn lấp những phần rác còn lại không thể xử lý. Hạn chế tỉ lệ chôn lấp < 15%. Bãi chôn lấp phải đạt tiêu chuẩn quy định về vệ sinh môi trường, có hệ thống thu gom xử lý nước rỉ rác. Lò đốt rác phải có hệ thống xử lý khí thải, chế độ vận hành phải đảm bảo không phát sinh dioxin và furan. Bắt buộc các khu công nghiệp và khu đô thị phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra nguồn tiếp nhận, cụ thể như sau:
- Nước thải từ các khu đô thị phải được xử lý đạt QCVN 14: 2008/BTNMT.
- Nước thải từ các KCN phải phải được xử lý đạt QCVN 24: 2009/BTNMT.
- Kiểm soát chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường của các hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên diện rộng.
- Khu vực bến cảng Gành Hào và Nhà Mát bắt buộc phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố tràn dầu.