Huyện Cần Giuộc nằm về phía Đông Nam của Tỉnh Long An, phía Bắc giáp huyện Bình Chánh, TP.HCM, phía Đông Bắc giáp huyện Nhà Bè, TP.HCM, phía Đông giáp huyện Cần Giờ, TP.HCM với ranh giới là Sông Soài Rạp, phía Tây tiếp giáp huyện Bến Lức, phía Nam giáp huyện Cần Đước, Long An.
Cần Giuộc nằm ở vành đai vòng ngoài của vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ của Thành Phố Hồ Chí Minh tới các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long qua Quốc Lộ 50, từ Biển Đông qua cửa sông Soài Rạp và hệ thống đường thủy thông thương với các tỉnh phía Nam.
Trong những năm gần đây , khu vực phía Nam TP.HCM nói chung cũng như huyện Cần Giuộc nói riêng có cơ sở hạ tầng, hạ tầng giao thông phát triển. Minh chứng rõ ràng nhất là quyết định nâng cấp, cải tạo đường huyết mạch Đinh Đức Thịnh, xây mới đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Cùng với vị trí đắc địa, UBND huyện Cần Giuộc và UBND tỉnh Long An đã đưa ra rất nhiều chính sách khuyến khích các chủ đầu tư xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng . Song song đó, tỉnh Long An cũng đã đầu tư ngân sách lớn để nâng cấp và xây mới một số tuyến đường giao thông huyết mạch trên địa bàn. Tính đến năm 2019, địa bàn huyện Cần Giuộc đã hoàn thiện 75% các dự án về hạ tầng giao thông đường bộ. Nổi bật với tuyến Quốc lộ 50, nối liền Long An với Tp. Hồ Chí Minh.
Các tuyến theo trục dọc giữa TP.HCM và Long An cũng đang được cải thiện rõ nét. Khi tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ được thông xe vào năm 2020, tuyến đường này sẽ kết nối các huyện Bến Lức, Cần Giuộc với huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Nhơn Trạch, Long Thành của Đồng Nai. Dự án cao tốc đi vào hoạt động cũng mở ra bước phát triển mới về phát triển kinh tế của huyện Cần Giuộc.
Với vị trí rất thuận lợi trong việc thu hút đầu tư, giao lưu kinh tế. Trong tương lai, Cần Giuộc sẽ là trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh Long An, là địa phương đi đầu trong việc phát triển các khu công nghiệp thu hút đầu tư từ bên ngoài. Trong quy hoạch phát triển kinh tế , huyện chú trọng đầu tư và phát triển toàn diện các lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ, dân cư - đô thị và nông nghiệp, trong đó, công nghiệp làm nền tảng. Ưu tiên thu hút đầu tư cho ngành Công Nghiệp, thương mại - dịch vụ ở các khu, cụm công nghiệp, chú ý đến các ngành nghề nhiều lao động, đồng thời tạo thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ không gây ô nhiễm.
Trong xu thế phát triển chung của cả nước, tỉnh Long An đã có nhiều Khu công nghiệp (KCN), Cụm công nghiệp (CCN) mới. Sự phát triển các KCN,CCN tại Long An trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, giải quyết việc làm , tăng thu nhập cho người lao động, thu hút vốn và công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý tiến bộ của nhiều nước trên thế giới. Phát triển CCN trong tương lai cần đảm bảo hài hòa lợi ích, có tầm nhìn dài hạn, lấy hiệu quả KT-XH, bảo vệ môi trường là mục tiêu cao nhất, khai thác tốt các lợi thế tiềm năng địa phương, xây dựng một mô hình mang tính đột phá trong thu hút đầu tư, tăng trưởng CN, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HDH và phù hợp với định hướng phát triển KT-XH của Tỉnh.
Do vậy, Quy hoạch CCN Phước Vĩnh Đông tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An là rất cần thiết và cấp bách nhằm thúc đẩy mục tiêu phát triển công nghiệp của huyện Cần Giuộc nói chung và Tỉnh Long An nói riêng, tạo môi trường sống và làm việc, tăng thu nhập cho người dân địa phương, tăng thu nhập ngân sách, tạo hình ảnh tốt nhằm thu hút các nhà đầu tư tiềm năng.
1.1. Mục tiêu đồ án
- Xác định kế hoạch khai thác và sử dụng quỹ đất một cách hợp lý, tạo ra một môi trường không gian kiến trúc cảnh quan mới, phù hợp với sự phát triển của quy hoạch chung.
- Làm cơ sở triển khai lập các dự án đầu tư xây dựng kinh doanh phát triển hạ tầng kỹ thuật và xây dựng các công trình công nghiệp, nhà máy, kho tàng.
- Làm cơ sở pháp lý cho các cơ quan quản lý nhà nước quản lý quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng theo hướng phát triển bền vững.
- Đầu tư xây dựng CCN với mục tiêu phát triển bền vững, có Hạ tầng kỹ thuật thuận lợi, hiện đại, đồng bộ để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh Huyện Cần Giuộc và Tỉnh Long An.
1.2. Tính chất đồ án
CCN Phước Vĩnh Đông 2 có tính chất là Cụm công nghiệp sạch, đa ngành, bố trí các loại hình sản xuất công nghiệp cấp 4 (theo hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam được ban hành tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ) như sau:
- Nhóm các dự án điện tử, viễn thông: Sản xuất linh kiện điện tử, máy vi tính, sản phẩm điện tử dân dụng, thiết bị truyền thông...
- Nhóm các dự án về cơ khí: Sản xuất các loại máy nông nghiệp, đồ dùng gia đình, các loại máy chế biến thực phẩm...
- Nhóm các dự án về chế biến: Chế biến nông sản, thủy sản...
- Nhóm các dự án sản xuất vật liệu xây dựng: Sản xuất các loại vật liệu xây dựng...
1.3. Quy mô diện tích và dự báo lao động
- Tổng diện tích nghiên cứu và lập quy hoạch khoảng 48,14 ha.
Quy mô dự án theo Quyết định thành lập CCN Phước Vĩnh Đông 2 số 1474/QĐ-UBND ngày 28 tháng 4 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An là 49ha khi chưa đo đạc cụ thể. Chủ đầu tư đã ký hợp đồng Trung tâm Phát triển quỹ đất và dịch vụ tài nguyên, môi trường tiến hành đo đạc thực địa ranh giới dự án theo đúng ranh giới của Trích lục bản đồ địa chính đính kèm Quyết định nêu trên và quy mô diện tích dự án sau khi đo đạc là 48,14ha (theo Mảnh trích đo địa chính số số 21-2020 ngày 12/8/2020 do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An phê duyệt).
- Số lượng lao động dự kiến: 2.500 lao động