1.Tổng quan về huyện Lâm Hà:
Huyện Lâm Hà nằm ở phía Tây – Tây Nam của tỉnh Lâm Đồng, là huyện kinh tế mới và vùng đồng bào dân tộc của tỉnh Lâm Đồng, được thành lập theo Quyết định số 157QĐ/HĐBT ngày 24/10/1987 của Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Năm 2014, sau khi chia tách huyện, diện tích tự nhiên 930,23 km2, dân số toàn huyện theo số liệu Niên giám thống kê huyện Lâm Hà năm 2019 là 144.707 người, mật độ dân số 156 người/km2; Huyện Lâm Hà hiện nay có 16 đơn vị hành chính gồm thị trấn Đinh Văn (là đô thị loại V), thị trấn Nam Ban (là đô thị loại V) và 14 xã: Tân Hà, Mê Linh, Gia Lâm, Đông Thanh, Nam Hà, Đạ Đờn, Phú Sơn, Phi Tô, Tân Văn, Tân Thanh, Đan Phượng, Liên Hà, Phúc Thọ, Hoài Đức.
Huyện Lâm Hà có ranh giới phía Bắc giáp huyện Đam Rông, phía Đông giáp thành phố Đà Lạt, phía Đông Bắc giáp huyện Lạc Dương, phía Đông Nam giáp huyện Đức Trọng, phía Tây giáp huyện Di Linh, đều là các huyện thị của tỉnh Lâm Đồng, phía Tây Bắc giáp tỉnh Đăk Nông. Toàn bộ ranh giới với huyện Di Linh là sông Đạ Dâng (tức sông Đồng Nai), chảy theo hướng Đông Nam - Tây Bắc.
Theo quyết định 964/QĐ-TTg, ngày 30/06/2015 của Thủ tướng Chính Phủ, tỉnh Lâm Đồng có 2 huyện nằm trong danh sách địa bàn ưu tiên thực hiện chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 – 2020, trong đó có huyện Lâm Hà.
Huyện Lâm Hà nằm trong vùng cao nguyên Di Linh và một phần cao nguyên Lang Biang, có độ cao trung bình trên 900m so với mực nước biển, có khí hậu ôn đới, có rừng đầu nguồn của hệ thống sông lớn Đồng Nai. Khu vực có những đặc điểm tự nhiên đa dạng, địa hình tương đối phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều sông suối, có 3 dạng địa hình chính: dốc núi cao, đồi thấp và thung lũng; khí hậu ôn hòa thuận lợi cho sức khỏe con người và trồng trọt, chăn nuôi; hệ sinh thái tự nhiên phong phú; có nhiều tài nguyên về nhân văn, đa dạng về văn hóa lịch sử, văn hóa bản địa; có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp chuyên canh, nông nghiệp công nghệ cao.
Huyện Lâm Hà có nhiều sông, suối bắt nguồn từ các vùng núi cao, sông Đạ Dâng, suối Camly, hệ thống sông nước đa dạng tạo nên các ngọn thác đẹp như thác Voi ở Nam Ban, thác Liêng Sêr Nha ở Tân Thanh… các ngọn thác tạo ra tiềm năng phát triển du lịch, hiện nay thác Voi đã được nhà nước xếp hạng thắng cảnh quốc gia.
Ngày 27/12/2018 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1848/QĐ-TTg, chưa có quy hoạch vùng huyện Lâm Hà, chỉ có quy hoạch chung khu vực trung tâm thị trấn và các xã có đồ án quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết để phục vụ cho các dự án đầu tư xây dựng công trình cũng như dự án cơ sở hạ tầng, vì vậy việc quản lý hoặc hoạch định chính sách cho phát triển chung của huyện Lâm Hà gặp nhiều khó khăn, vì chưa có sự nghiên cứu đồng bộ các tiểu vùng, các khu vực kinh tế, từ đó việc tập trung nguồn lực về kinh tế cũng như nhân lực cho việc phát triển từng vùng gặp nhiều hạn chế.
Mặt khác, căn cứ vào Quyết định 704/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/5/2014 V/v phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 định hướng một phần khu vực của huyện Lâm Hà (bao gồm thị trấn Nam Ban và các xã Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà), trong đó đô thị Nam Ban là một trong các đô thị vệ tinh của thành phố Đà Lạt giữ vai trò là trọng tâm kinh tế phía Tây, cần thiết phải có sự kết nối và đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đảm bảo vùng huyện Lâm Hà phát triển đúng định hướng phân vùng phát triển của tỉnh Lâm Đồng: một phần huyện Lâm Hà thuộc tiểu vùng I và tiểu vùng II của vùng tỉnh Lâm Đồng.
2.Lý do và sự cần thiết lập quy hoạch xây dựng vùng:
Hiện nay trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng đang thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 tại Quyết định 1600/QĐ-TTg ngày 16/08/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 05/04/2016, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 558/QĐ-TTg về việc ban hành Tiêu chí huyện nông thôn mới và thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đây là một trong những tiêu chí để xét công nhận huyện Nông thôn mới.
Ngày 05/06/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 691/QĐ-TTg về việc ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020 với mục tiêu xây dựng định hướng và đề xuất các giải pháp xây dựng nông thôn mới gắn phù hợp với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế cả nước; xây dựng nông thôn theo các tiêu chí huyện nông thôn mới phù hợp với đặc điểm từng vùng miền; định hướng quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường và các dịch vụ xã hội, phù hợp với định hướng đô thị hóa, nhằm từng bước chuẩn bị cho việc hình thành đô thị trên địa bàn, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.
Xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững là chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, trong đó quy hoạch xã nông thôn mới đảm bảo hài hòa giữa phát triển nông thôn với phát triển đô thị; phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có trên địa bàn xã.
Hiện nay, còn tồn tại những bất cập và khó khăn về vị trí địa giới hành chính của các xã trong địa bàn huyện Lâm Hà như hạn chế về hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông với trung tâm huyện, trình độ sản xuất chênh lệch giữa các xã và thị trấn cũng như khả năng điều hành của từng cấp chính quyền cơ sở có nhiều vấn đề cần thiết phải có sự nghiên cứu sâu hơn.
Trên cơ sở phân tích khái quát những tiềm năng và lợi thế của vùng huyện Lâm Hà cũng như đưa ra những hạn chế bất cập hiện nay mà huyện đang gặp phải, để có cơ sở phát huy tối đa những tiềm năng và lợi thế rất lớn của vùng huyện Lâm Hà, khắc phục những nhược điểm đã và đang tồn tại trên địa bàn, việc sớm nghiên cứu lập Quy hoạch xây dựng vùng huyện Lâm Hà là hết sức cần thiết và cấp bách, là cơ sở để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đề xuất các mô hình du lịch nông nghiệp, đặc biệt là du lịch kết hợp nông nghiệp công nghệ cao nhằm góp phần xây dựng thương hiệu cho du lịch tỉnh Lâm Đồng nói chung, góp phần thúc đẩy nền kinh tế của huyện cũng như của tỉnh Lâm Đồng, là thế mạnh của huyện Lâm Hà.
Hiện nay, huyện Lâm Hà và các huyện đã có chủ trương lập đồ án quy hoạch vùng huyện, trung tâm thị trấn và các xã có đồ án quy hoạch chung và chi tiết để phục vụ cho các dự án đầu tư xây dựng công trình, vì vậy việc quản lý hoặc hoạch định chính sách cho phát triển chung của huyện Lâm Hà gặp rất nhiều khó khăn, vì chưa có sự nghiên cứu đồng bộ các tiểu vùng, các khu vực kinh tế, từ đó việc tập trung nguồn lực về kinh tế cũng như nhân lực cho việc phát triển từng vùng gặp rất nhiều hạn chế. Là một huyện miền núi nên địa hình của huyện tương đối phức tạp gây khó khăn cho sản xuất và đời sống nhất là trong việc phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi giữa các vùng trong huyện nhưng địa hình cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các vùng sản xuất chuyên canh sản xuất hàng hóa khác nhau tập trung.
Trên cơ sở phân tích khái quát những tiềm năng và lợi thế của vùng huyện Lâm Hà cũng như vạch ra những hạn chế bất cập hiện nay mà huyện đang gặp phải, để có cơ sở phát huy tối đa những tiềm năng và lợi thế rất lớn của vùng huyện Lâm Hà, khắc phục những nhược điểm đã và đang tồn tại trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1848/QĐ-TTg ngày 27/12/2018, trong đó xác định huyện Lâm Hà được xác định thuộc tiểu vùng I và II thuộc phân vùng phát triển kinh tế của tỉnh Lâm Đồng.
Để thực hiện có hiệu quả các giải pháp khai thác và phát huy thế mạnh của địa phương, tổ chức, quản lý, khai thác không gian đô thị - nông thôn, không gian phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch, sản xuất nông nghiệp,.... gắn với việc gìn giữ các giá trị sinh thái và nhân văn của khu vực, đảm bảo phát triển bền vững, lâu dài, đáp ứng các tiêu chí huyện nông thôn mới thì việc lập Quy hoạch xây dựng vùng huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2050 là rất cần thiết.