Ngày 26/04/2024, UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 1495/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Vĩnh Thạnh đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, với các nội dung chính như sau:
1. Tên đồ án: Quy hoạch xây dựng vùng huyện Vĩnh Thạnh đến năm 2035.
2. Phạm vi, ranh giới, quy mô và thời hạn lập quy hoạch:
a) Phạm vi, ranh giới quy hoạch: Phạm vi ranh giới lập quy hoạch xây dựng gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Vĩnh Thạnh gồm: thị trấn Vĩnh Thạnh và 08 xã (Vĩnh Thuận, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hảo, Vĩnh Sơn, Vĩnh Quang, Vĩnh Hòa, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Kim). Có giới cận như sau:
- Phía Bắc giáp: Huyện An Lão;
- Phía Nam giáp: Huyện Tây Sơn;
- Phía Đông giáp: Huyện Phù Cát và huyện Hoài Ân;
- Phía Tây giáp: Huyện Kbang và thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai.
b) Quy mô, thời hạn lập quy hoạch:
- Quy mô diện tích nghiên cứu lập quy hoạch: khoảng 716,907km2.
- Quy mô dân số: Hiện trạng khoảng 30.921 người, dự báo đến năm 2035 đạt khoảng 39.350 người.
c) Thời hạn lập quy hoạch: Giai đoạn đến năm 2035; tầm nhìn định hướng đến năm 2050.
3. Mục tiêu, tính chất, chức năng quy hoạch:
- Cụ thể hóa định hướng quy hoạch tỉnh Bình Định, chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh; các chủ trương, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của huyện về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu gắn với quá trình đô thị hóa. Xác định cụ thể các vùng động lực phát triển, mô hình phát triển không gian vùng; định hướng tổ chức không gian hệ thống đô thị, phát triển dân cư, phân loại, phân cấp đô thị và xác định tính chất của từng đô thị; đảm bảo phát triển toàn diện, bền vững các lĩnh vực kinh tế xã hội, đô thị và nông thôn mới trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của địa phương.
- Là vùng phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng hiện đại trên cơ sở hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh liên kết sản xuất với bảo quản, chế biến, xây dựng nhãn hiệu và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa lịch sử; phát triển công nghiệp khai khoáng. Là vùng có tầm quan trọng trong vấn đề bảo vệ đặc biệt về cảnh quan, môi trường, sự phát triển bền vững tại địa phương cũng như toàn tỉnh Bình Định.
- Làm cơ sở để quản lý quy hoạch, triển khai lập các chương trình phát triển đô thị; quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và các dự án có liên quan.
4. Các chỉ tiêu dự báo phát triển vùng:
- Dự báo phát triển dân số: Dân số hiện trạng khu vực khoảng 30.921 người; đến năm 2035 khoảng 39.350 người.
- Dự báo tỷ lệ đô thị hóa: đến năm 2035 khoảng 39%.
- Dự báo đất xây dựng: Đến năm 2035, đất xây dựng đô thị khoảng 550ha, đất xây dựng các điểm dân cư nông thôn khoảng 750ha.
5. Định hướng phát triển không gian vùng:
5.1. Phân vùng phát triển kinh tế:
a) Phân Vùng I (phân vùng trung tâm): Gồm thị trấn Vĩnh Thạnh và các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Hòa. Là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế tổng hợp của huyện; phát triển đô thị, dịch vụ, thương mại và là đầu mối giao lưu với các địa phương lân cận; liên kết chặt chẽ, toàn diện với sự phát triển chung của vùng. Trung tâm tiểu vùng là thị trấn Vĩnh Thạnh; phát triển xã Vĩnh Quang đạt chuẩn đô thị loại V giai đoạn sau năm 2035; phát triển mở rộng cụm công nghiệp gắn với xây dựng vùng nguyên liệu (sắn, gỗ lớn, chăn nuôi,...).
b) Phân vùng II (phân vùng sinh thái nông nghiệp): Gồm các xã Vĩnh Thuận và Vĩnh Hảo. Là vùng phát triển nông lâm nghiệp kết hợp phát triển vùng nguyên liệu sắn và nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến nông lâm sản; phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản nước ngọt gắn với các hồ đập, phát triển loại hình du lịch sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp; phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, thủy điện tích năng).
c) Phân vùng III (phân vùng bảo tồn và du lịch): Gồm các xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Kim và Vĩnh Sơn. Là vùng bảo tồn sinh thái rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, ổn định môi trường phòng hộ đầu nguồn; phát triển kinh tế rừng và kết hợp phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, mạo hiểm, du lịch cộng đồng gắn với lợi thế tự nhiên sẵn có của khu vực.
5.2. Định hướng phát triển hệ thống đô thị: Giai đoạn đến năm 2030, huyện Vĩnh Thạnh có 01 đô thị loại V là thị trấn Vĩnh Thạnh, phát triển xã Vĩnh Quang theo hướng đạt chuẩn đô thị loại V; định hướng sau năm 2030 huyện Vĩnh Thạnh phấn đấu có 02 đô thị loại V gồm thị trấn Vĩnh Thạnh và 01 đô thị hình thành mới là đô thị Vĩnh Quang.
5.3. Định hướng phát triển điểm dân cư nông thôn: Phát triển điểm dân cư nông thôn trên cơ sở ổn định hệ thống dân cư hiện có, khoanh vùng phát triển. Tập trung phát triển các điểm dân cư ở khu vực trung tâm xã, dọc các trục đường chính của xã và trên cơ sở lấp đầy theo dân cư hiện hữu. Tiếp tục phấn đấu để huyện Vĩnh Thạnh đạt chuẩn nông thôn mới; xây dựng, nâng cao chất lượng tiêu chí các xã nông thôn mới theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.
5.4. Định hướng phát triển công nghiệp: Duy trì và cải thiện hạ tầng các cụm công nghiệp hiện hữu; rà soát, nâng quy mô, mở rộng diện tích các cụm công nghiệp để đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư.
5.5. Định hướng phát triển du lịch: Phát triển các loại hình du lịch gắn với các giá trị tự nhiên, văn hóa truyền thống của địa phương. Kết nối du lịch huyện Vĩnh Thạnh với cụm du lịch Hoài Nhơn và các vùng lân cận, huyện An Lão, huyện Hoài Ân thông qua các tuyến đường giao thông hiện có, định hướng nâng cấp mở rộng và đầu tư xây dựng mới. Phát triển các loại hình du lịch như du lịch tham quan di tích danh thắng; du lịch sinh thái, trải nghiệm thiên nhiên; du lịch văn hóa cộng đồng; du lịch sinh thái nông nghiệp...
6. Định hướng phát triển hạ tầng xã hội:
6.1. Công trình giáo dục: Nâng cấp cơ sở vật chất, mở rộng quy mô diện tích các trường THPT hiện hữu; dự trữ quỹ đất để phát triển đất giáo dục cho đô thị Vĩnh Quang sau khi hình thành.
6.2. Công trình y tế: Chỉnh trang, mở rộng Trung tâm y tế huyện Vĩnh Thạnh tại thị trấn Vĩnh Thạnh. Đối với công trình y tế cấp đô thị, cấp xã, được xác định cụ thể theo các quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xã và các quy hoạch xây dựng, phù hợp theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành có liên quan về quy hoạch.
6.3. Công trình văn hóa, thể dục thể thao: Xây dựng đồng bộ cơ sở vật chất và trang thiết bị cho mạng lưới văn hóa, thể dục thể thao, phát triển các loại hình cơ sở đa chức năng như sân vận động, trung tâm văn hóa thể dục - thể thao tại thị trấn Vĩnh Thạnh, nhà văn hóa đa năng, câu lạc bộ thể dục thể thao, khu văn hóa thể thao và du lịch,...
6.4. Công trình thương mại: Chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ du lịch tại Vĩnh Sơn. Nâng cấp, mở rộng các chợ hiện hữu theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới; nâng cấp chợ Định Bình, xây dựng mới chợ tại các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim và Vĩnh Hòa.
6.5. Khu vực hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn: Quy hoạch khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn được lồng ghép trong các chức năng của các cụm công nghiệp, khu dịch vụ - thương mại - du lịch, trung tâm hành chính xã… được xác định trong đồ án quy hoạch chung xây dựng xã.
6.6. Định hướng về đảm bảo an ninh quốc phòng: Định hướng quy hoạch xây dựng vùng huyện phải đảm bảo quỹ đất xây dựng các công trình phục vụ cho mục đích an ninh quốc phòng trên địa bàn huyện.
7. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật:
7.1. Định hướng giao thông:
a) Giao thông đối ngoại:
- Tuyến đường QL.19B thực hiện theo định hướng quy hoạch mạng lưới giao thông quốc gia.
- Tuyến đường ĐT.637 chạy dọc phía Tây sông Kôn nối liền 2 huyện Tây Sơn và Vĩnh Thạnh, đạt tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng và cấp IV miền núi, kết nối với QL.19 và tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku và tăng cường kết nối giao thông của huyện. Xây dựng mới tuyến đường tránh qua thị trấn Vĩnh Thạnh và xã Vĩnh Quang kết nối với tuyến đường tránh xã Vĩnh Hảo và tuyến đường QL.19 tại Tây Sơn.
- Tuyến đường Hoài Ân - Vĩnh Thạnh - Gia Lai (điểm đầu từ ĐT.630 tại xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân kết nối vào QL.19B tại Vĩnh Thạnh và kết nối ĐT.669 tại K’bang, tỉnh Gia Lai), đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV miền núi và cấp V đồng bằng. Tuyến đường Vĩnh Thạnh - Phù Cát (điểm đầu từ thị trấn Vĩnh Thạnh đến ĐT.634 xã Cát Sơn, huyện Phù Cát và đi về QL.1A), đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV miền núi và cấp V đồng bằng.
b) Giao thông đối nội:
- Nâng cấp các tuyến đường huyện đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp V đồng bằng và cấp V miền núi; xây dựng mới tuyến đường và cầu Vĩnh Hòa qua sông Kôn kết nối xã Vĩnh Quang đến ĐH29 đi huyện Tây Sơn.
- Giao thông đô thị: Xây dựng mới tuyến đường tránh qua thị trấn Vĩnh Thạnh và nâng cấp các tuyến đường trục chính đi qua trung tâm thị trấn Vĩnh Thạnh, đấu nối bổ sung đường phía Tây khu vực xã Vĩnh Quang và hoàn thiện mạng lưới giao thông đảm bảo mật độ khi hình thành đô thị.
- Giao thông nông thôn: Kế thừa và phát triển mạng lưới đường giao thông nông thôn hiện có; đầu tư nâng cấp đảm bảo phục vụ dân sinh và vận chuyển hàng hóa nông, lâm nghiệp; kết nối với hệ thống đường quốc gia, đường tỉnh và đường huyện.
c) Công trình đầu mối giao thông: Duy trì bến xe khách tại thị trấn Vĩnh Thạnh; định hướng giai đoạn sau năm 2030, quy hoạch bổ sung bến xe buýt nội huyện, đón trả khách du lịch tại xã Vĩnh Sơn, bổ sung tuyến xe buýt lộ trình Vĩnh Thạnh - Hoài Ân khi hình thành tuyến đường kết nối với huyện Hoài Ân; xây dựng các bãi đậu xe tại các trung tâm khu đô thị, các khu du lịch, trung tâm thương mại,… đáp ứng cho nhu cầu phục vụ và phù hợp theo quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan về quy hoạch xây dựng.
7.2. Định hướng cao độ nền và thoát nước mặt:
a) Định hướng phòng chống thiên tai:
- Nâng cấp, gia cố các tuyến đê, kè trên địa bàn huyện nhằm đáp ứng yêu cầu ứng phó với thiên tai; tăng cường sửa chữa, nâng cấp các hồ, đập xuống cấp, xây mới các hồ, đập trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và cấp nước sinh hoạt theo nhu cầu của vùng. Cắm mốc hành lang an toàn đê điều; hành lang an toàn hồ, đập; hành lang thoát lũ các trục tiêu (sông, suối) trên địa bàn huyện; khơi thông, nạo vét định kỳ các trục tiêu đảm bảo thoát lũ tốt. Xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai trên địa bàn huyện; xây dựng, quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn. Khoanh vùng phạm vi có nguy cơ sạt lở cao, độ dốc lớn và đánh giá khả năng sạt lở trước khi tiến hành đầu tư xây dựng.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân chấp hành nghiêm quy định bảo vệ công trình thủy lợi, bảo vệ môi trường; bảo vệ rừng đầu nguồn, phủ trống đồi trọc để phòng ngừa lũ quét và sạt lở đất; tăng cường công tác cảnh báo, dự báo bằng việc củng cố và nâng cấp các trạm thủy văn, xây dựng mô hình dự báo lũ; nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro thiên tai và an toàn đập bằng công nghệ tiên tiến.
b) Định hướng cao độ nền: Cao độ quy hoạch xây dựng trên cơ sở cao độ nền hiện trạng, từng bước cải tạo, nâng cao 0,3m so với mực nước lũ tính toán phù hợp.
c) Định hướng thoát nước mặt: Hướng thoát nước chính phân thành 9 lưu vực nhỏ tiêu thoát nước mưa thoát về sông Kôn rồi thoát về phía Nam bao gồm: (1) Lưu vực sông Kôn; (2) Lưu vực suối Xem; (3) Lưu vực suối Hòn Lập; (4) Lưu vực suối xã Vĩnh Sơn; (5) Lưu vực suối Nước Dơi; (6) Lưu vực suối Nước Nhóc; (7) Lưu vực suối Tà Lăng; (8) Lưu vực suối Nước Lim; (9) Lưu vực suối Gà.
7.3. Định hướng cấp nước:
a) Tổng nhu cầu cấp nước toàn huyện đến năm 2035 khoảng 6.500m3/ngày.đêm.
b) Nguồn cấp nước chính: Sử dụng nguồn nước mặt trên địa bàn huyện, lấy từ suối Nước Tấn, suối Sò Đo - Vĩnh Hòa, bổ sung nguồn nước từ hồ Định Bình và một số hồ thủy lợi để đảm bảo công suất cấp nước cho vùng.
c) Công trình đầu mối và phân vùng cấp nước: Đầu tư hệ thống cấp nước sạch tại thị trấn Vĩnh Thạnh với công suất khoảng 2.500m3/ngày.đêm (đến năm 2030), có hỗ trợ thêm công suất tại các trạm cấp nước Vĩnh Hòa, Vĩnh Thuận để cung cấp cho khu vực phía Nam của huyện. Sau năm 2030, nâng công suất nhà máy nước tại thị trấn đạt khoảng 6.500m3/ngày.đêm, sử dụng nguồn nước mặt từ suối Nước Tấn, bổ sung nguồn nước từ hồ Định Bình để cấp nước cho thị trấn Vĩnh Thạnh và các xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Quang, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hòa, Vĩnh Thuận.
d) Về các công trình phục vụ phòng cháy và chữa cháy: Tuân thủ theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy; QCVN 06:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình và các quy định hiện hành có liên quan.
7.4. Định hướng cấp điện: Tổng công suất cấp điện của huyện đến năm 2035 khoảng 19,7MW. Nguồn cấp điện từ Trạm biến áp 110kV/35/22kV Đồng Phó có công suất khoảng 25MVA; dự kiến xây dựng trạm 110/22kV Vĩnh Thạnh công suất khoảng 40MVA cấp điện cho toàn huyện Vĩnh Thạnh. Phát triển năng lượng tái tạo như nguồn thủy điện tích năng từ các hồ thủy điện, phát triển điện gió tại xã Vĩnh Thuận, dự án nhà máy điện gió Vĩnh Sơn,...
7.5. Định hướng thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang:
a) Thoát nước thải: Quy hoạch hệ thống thoát nước thải nửa riêng cho khu vực cải tạo, chỉnh trang, các khu dân cư thuộc xã và khu dân cư hiện hữu; tổ chức đi riêng hoàn toàn đối với các khu vực đô thị và các CCN xây dựng mới; tại các đô thị và các CCN quy hoạch hệ thống trạm xử lý nước thải tập trung đảm bảo quy mô công suất theo nhu cầu phát triển đô thị và sản xuất công nghiệp; khuyến khích quy hoạch trạm xử lý nước thải tập trung cho các xã nông thôn khi đảm bảo điều kiện thuận lợi. Vị trí, quy mô công suất và hệ thống mạng lưới thoát nước thải sẽ xác định cụ thể theo quy hoạch xây dựng tiếp theo được phê duyệt.
b) Quản lý chất thải rắn: Đến năm 2035, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt khoảng 52-55 tấn/ngày; chất thải rắn công nghiệp khoảng 18-20 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt đô thị đạt 90-100%, rác thải công nghiệp đạt 100%. Xây dựng khu xử lý chất thải rắn tại khu vực thôn M6, xã Vĩnh Hòa; mỗi điểm dân cư nông thôn, trung tâm xã xây dựng 01 trạm trung chuyển chất thải rắn.
c) Nghĩa trang: Thực hiện việc quản lý và xây dựng theo quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; cải tạo các nghĩa trạng hiện trạng đảm bảo môi trường, cảnh quan chung; khoanh vùng, đóng cửa các khu nghĩa địa hiện hữu không phù hợp quy hoạch, từng bước di dời; khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng.
7.6. Định hướng hạ tầng viễn thông thụ động: Cải tạo và nâng cấp công suất các trạm tổng đài hiện có; từng bước ngầm hóa tại khu vực các tuyến đường, phố, khu đô thị xây dựng mới. Xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin đảm bảo nền tảng phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu hạ tầng số hướng tới xây dựng chính quyền số và quản lý đô thị thông minh.
8. Quy hoạch sản xuất:
- Phát triển vùng trồng cây ăn quả tập trung tại thị trấn Vĩnh Thạnh và các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Hảo và Vĩnh Thuận.
- Phát triển các mô hình du lịch sinh thái kết hợp với trang trại gia đình, canh tác nông nghiệp hữu cơ và kỹ thuật cao; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; phát triển nuôi cá lồng bè trên các hồ Định Bình, hồ Tà Niêng,… tại các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Hảo.
- Khu vực phát triển, bảo vệ hệ sinh thái rừng; phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng gắn với lợi thế tự nhiên tại các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim, Vĩnh Hiệp và Vĩnh Thịnh.