1. Phạm vi, ranh giới, quy mô, thời hạn lập quy hoạch
1.1. Phạm vi: phạm vi lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Văn Chấn là toàn bộ diện tích tự nhiên của huyện Văn Chấn, bao gồm 24 đơn vị hành chính: 03 thị trấn (thị trấn Sơn Thịnh, thị trấn nông trường Liên Sơn, thị trấn nông trường Trần Phú) và 21 xã (An Lương, Bình Thuận, Cát Thịnh, Chấn Thịnh, Đại Lịch, Đồng Khê, Gia Hội, Minh An, Nậm Búng, Nậm Lành, Nậm Mười, Nghĩa Sơn, Nghĩa Tâm, Sùng Đô, Suối Bu, Suối Giàng, Suối Quyền, Tân Thịnh, Thượng Bằng La, Tú Lệ, Sơn Lương).
1.2. Ranh giới: phía Bắc giáp huyện Văn Yên và huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái; Phía Đông giáp huyện Yên Lập và huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ; Phía Tây giáp thị xã Nghĩa Lộ, huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái; Phía Nam giáp huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La và huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ.
1.3. Quy mô: diện tích lập quy hoạch 1.129,12 km2 (112.911,98 ha).
1.4. Thời hạn quy hoạch: Quy hoạch ngắn hạn đến năm 2030, dài hạn đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
2. Mục tiêu, tính chất, động lực và tiềm năng phát triển vùng
2.1. Mục tiêu
- Cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển đô thị tỉnh Yên Bái, các định hướng quy hoạch có liên quan trên địa bàn tỉnh Yên Bái và cụ thể hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội huyện Văn Chấn theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần XIX;
- Quy hoạch huyện Văn Chấn theo các tiêu chí của huyện nông thôn mới nhằm xác định thực trạng và các nhiệm vụ cần triển khai làm cơ sở từng bước hoàn thiện các tiêu chí huyện nông thôn mới theo quy định;
- Nghiên cứu định hướng phát triển không gian vùng huyện, phân vùng chức năng phát triển phù hợp với các giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của huyện đề ra trong mối quan hệ với vùng tỉnh và các khu vực xung quanh. Xây dựng huyện Văn Chấn phát huy bản sắc văn hóa, đảm bảo quốc phòng - an ninh và thích ứng với biến đổi khí hậu;
- Làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý xây dựng, lập các quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn huyện.
2.2. Tính chất
- Là động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng phía Tây của tỉnh Yên Bái. Là vùng đệm cầu nối trong chuỗi đô thị của hành lang Đông - Tây;
- Là một trong những trung tâm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái có các chức năng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại và đầu mối giao thông vùng phía Tây;
- Là vùng du lịch văn hoá, lịch sử mang đậm bản sắc, vùng sinh thái thiên nhiên, vùng bảo tồn văn hoá bền vững của đồng bào dân tộc;
- Là huyện có vị trí quốc phòng, an ninh quan trọng.
2.3. Động lực và tiềm năng phát triển vùng
Văn Chấn có tiềm năng phát triển công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với các sản phẩm OCOP địa phương. Ngoài ra, huyện có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa, đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số và các lễ hội truyền thống, trong đó:
- Công nghiệp: Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp dựa trên lợi thế sẵn có của địa phương, như chế biến nông, lâm sản, thủy sản, thủy điện, khoáng sản. Đồng thời, định hướng phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghiệp xanh và công nghiệp sinh thái, đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường;
- Du lịch sinh thái, cộng đồng: Phát triển các khu du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, tập trung khai thác và phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của các đồng bào dân tộc. Đồng thời, kết nối chặt chẽ với các khu du lịch của các địa phương lân cận, hình thành một mạng lưới du lịch liên kết, đồng bộ và xuyên suốt, góp phần tạo sức hút và nâng cao giá trị du lịch khu vực;
- Nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản: Lấy khoa học công nghệ làm nền tảng, phát triển theo hướng hiện đại và bền vững, tập trung nâng cao chuỗi giá trị sản xuất. Đồng thời, tạo sự gắn kết chặt chẽ với du lịch địa phương, thúc đẩy các sản phẩm đặc trưng trở thành điểm nhấn trong phát triển kinh tế.